lundi 26 mai 2014

Thư gửi Mẹ nhân ngày Fête des Mères



Me yêu quý của con,

Mới thoáng qua thôi mà đã hơn ba mươi mấy năm trời rồi !
Con còn nhớ hồi nhỏ ở VN,  mẹ thường ru con những câu sau đây, và năm đầu tiên con về Làng (1987) Bố Mẹ cũng dạy con bài ấy và con có đọc cho Su Ông nghe :

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

Ấy vậy mà dòng đời đã trôi, con giờ đã lớn khôn, Quỳnh Lan và Huy giờ cũng đã trưởng thành…
Mới thoáng qua thôi mà giờ Mẹ đã về hưu.
     Mẹ ơi , Mẹ có biết không, dù có lúc cãi bướng với Mẹ, dù có lúc hỗn hào với Mẹ, dù có lúc làm cho Mẹ buồn, không nghe lời Mẹ và không biết trân quý những giây phút bên cạnh Mẹ, nhưng mỗi ngày con đều cầu Trời Phật cho Mẹ sống thật lâu với tụi con.
     Mẹ ơi, Mẹ có biết không, con luôn nghĩ rằng được làm con gái của Mẹ là một trong những điều may mắn nhất cua đời con !
     Mẹ còn nhớ không, vì hồi đó Bố ở xa, cho nên con chỉ có Mẹ và Mẹ chỉ có con, hai mẹ con nương tựa vào nhau. Cám ơn Mẹ đã dạy con từng ly từng tí !
     Cám ơn Mẹ đã dạy con lòng từ bi, biết thương người nghèo, thương nguoi bất hạnh hon minh. Me đã dạy con không cho thì thôi, nhưng khi đã cho người nghèo thi không được tính toán và không được kể công.
 Con còn nhớ hồi nhỏ, lúc con độ 3-4 tuổi , có một bà ăn xin với đứa con gái khoản tuổi con ; thay vì cho tiền bà ấy, Me tìm cách cho bà 50 vé số để bà đi bán , tạo cho bà cơ hội để kiếm sống và lấy áo đầm của con cho bé gái
     Lúc đầu con giận Mẹ vì Mẹ đã cho áo đẹp của con, nhưng Mẹ kể chuyện của gia đình bà ấy cho con, và nói rằng nếu Mẹ con mình không may mắn cũng có thể đã bị như họ rồi . Con thấy tội bé đó, lấy 2-3 cái áo đem cho luôn !
     Cám ơn Mẹ đã dạy con biết tu tập, biết đi chùa khi con còn bé. Mẹ dẫn con đi chùa Từ Nghiêm ở Vietnam, con đã quy y với Sư Ông Thanh Từ, và sau khi qua Pháp thì quy y với Sư Ông Nhất Hạnh
     Dù nhà mình khi ấy còn nghèo, Bố Mẹ vẫn cho con về Làng mỗi năm vào mùa hè , được tu tập với quý thầy quý sư cô. Được lớn lên trong môi trường của Làng, được là “cây Mận của Làng”, con mới được như ngày hôm nay, con mới hạnh phúc va may mắn như ngày hôm nay.

     Cám ơn Me đã day con tánh tự lập và tinh thần trách nhiệm ngay từ nhỏ. Mẹ đã cho con đi về Làng với chú Minh và tự lo cho bản thân mình. Mẹ không về được với con nhưng dặn dò con rất kỹ rằng, con phải ngoan ngoãn nghe lời chu Minh. Con về Làng, nhưng cử chỉ của con không những là hình ảnh cùa riêng con mà cũng là hinh ảnh của Bố Me nữa.

    Cám ơn Mẹ là Mẹ của tụi con.
    Nhân ngày Fête des Mères, tuy rằng con không ở bên cạnh Mẹ được, con vẫn luôn luôn nhớ Mẹ và cuối tuần sau con sẽ được về nhà thăm Bố Mẹ  .

Con,
Quynh Huong

jeudi 22 mai 2014

Hội ngộ bên Thầy

Đây là bài thơ của một phật tử ở Việt Nam đã tham dự khóa tu với tăng thân tại
Thái Lan. BBT xin được gởi đến quý vị thân hữu.

Bao năm đành xa cách!
Được hội ngộ ... bên Thầy
Tưởng như là cơn mộng
Nước mắt dâng tràn mi...

Núi xa, mờ sương phủ
Trúc còn ủ hương đêm
Hạt kim cương diễm tuyệt
Long lanh màu tỉnh thức
Mặt trời hồng đang lên...

Tờ lá nào mỏng manh
Sắc vàng chen sắc đỏ
Ẩn những đốm màu xanh
Buông nhẹ tà áo chị...

Tặng em vừa quen biết
Được thiền hành bên nhau
Lối cỏ dài xanh mướt
Sỏi thầm thì xôn xao

Bàn tay con bé bỏng
Trên bàn tay Sư Ông
Nâng tiếng chuông Chánh Niệm
Đi vào... không gian trong.

Ôi! bây giờ... hạnh phúc
Đâu phải là chiêm bao
Thời gian ơi thong thả
Có chia tay đâu mà.

Nakhonnayok, Thailand
Tâm Phước Tịnh
10-2010

Thương gửi Bố

Quỳnh Hương là một cô thanh nữ năm nay 27 tuổi, đang chuẩn bị dự án tiến sĩ sau khi tốt nghiệp trường kỹ sư Ecole Centrale de Lille, Pháp quốc, khoa vi điện tử (Micro-electronic).

Quỳnh Hương và mẹ qua Pháp đoàn tụ với bố năm 1985 khi vừa tròn sáu tuổi. Vì mẹ đã từng là thành viên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nên từ thuở bé, Quỳnh Hương đã may mắn được cùng gia đình về tu học ở Làng Mai gần như mỗi mùa hè.

Khóa tu mùa hè nào ở Làng Mai đều có tổ chức Lễ Bông Hồng Cài Áo. Trong buổi lễ này, mọi người đều được khuyến khích viết “thư tình” cho mẹ và bố để tỏ lòng biết ơn và trân quý sự có mặt của bố mẹ, khi mình có may mắn được bố mẹ còn sống đó với mình. Quỳnh Hương tuy không được học tiếng Việt nhiều nhưng đã có khả năng bày tỏ tấm lòng của mình cho bố qua bài viết sau đây :



Bố kính yêu ơi,

Lâu lắm rồi con không viết thư cho Bố, hình như lần chót viết thư riêng cho Bố đã cách đây hơn hai mươi năm rồi, hồi con còn nhỏ ở Việt Nam. Lúc đó Mẹ viết thư cho Bố và bảo con viết cho Bố luôn. Hồi ấy, con chỉ biết Bố qua Mẹ thôi! Con còn nhớ Mẹ thường hay hỏi con:“Con thương Bố làm sao, thương Bố như thế nào?”,và con trả lời:“Con thương Bố nhiều thiệt là nhiều như trái đất!”

Vậy mà khi tới Pháp, gặp Bố rồi thì con lại coi Bố như người xa lạ và đòi về Việt Nam ở với ông bà ngoại,mấy dì, mấy cậu. Lúc đó, con coi Bố như người xa lạ. Cũng đúng thôi, vì từ nhỏ ở Việt Nam cho đến khi qua Pháp, con có được gặp Bố bao giờ đâu, có được biết tình thương của Bố như thế nào đâu? Đối với con , Bố chỉ là người làm cho con xa cách ông bà ngoại, mấy dì mấy cậu, xa cách Việt Nam, là người lấy đi một phần tình thương Mẹ dành cho con mà thôi .. Nhưng rồi từ từ con học làm quen với Bố, học thương Bố. Bây giờ suy nghĩ lại con thấy là tình thương con dành cho Bố trải qua nhiều giai đoạn:

Bắt đầu bằng tình thương của một đứa con nít, cho rằng không ai bằng Bố của mình, thần tượng Bố quá! Con thấy Bố chăm sóc con và mấy em, lo cho tụi con từng chút. Bố dẫn tụi con đến trường, dẫn tụi con đi học đàn, dạy tụi con học. Bố học luôn mấy bài học thuộc lòng chung với tụi con, và bị tụi con đổ lỗi Bố khi điểm không được như ý muốn của tụi con. Gặp ai con cũng so sánh với Bố hết, và lẽ đương nhiên không ai bằng Bố cả.

Đến khi tới tuổi mới lớn thì lại giận Bố, cãi với Bố, hờn Bố vì Bố khó quá: con là chị cả, mà lại là con gái nên Bố cấm cái nầy, cấm cái nọ. Và vì đã đặt Bố quá cao nên thế nào rồi Bố cũng bị rơi xuống thôi. Bố cũng là con người với những tánh tốt và tật xấu của Bố. Nhưng thời điểm đó, con chỉ chú ý đến những tật xấu của Bố mà thôi: nào là Bố gàn, Bố nóng tánh, Bố độc tài, Bố không thương và hiểu con.

Đúng là khi mới lớn, nhiều lúc giận Bố Mẹ, bị cơn giận lôi kéo cho nên quên đi những đêm khuya, tuy mệt Bố vẫn thức chờ con từ thư viện về để ra đón con ở ga, quên đi những lúc học mệt, Bố pha ly nước cam cho con uống, quên đi là mỗi khi con cần nhờ Bố việc gì, Bố cũng sẵn sàng làm giùm cho con.

Đến bây giờ nhìn lại, khi ý thức được hết tình thương của Bố thì hai mươi năm đã qua. Tóc Bố đầy “tuyết sương”rồi. Bố hết mạnh khỏe như xưa. Bố vẫn là Bố với những tính tốt và tính xấu của Bố, vẫn gàn, vẫn mặt chù ụ như con sư tử khi không thích một cái gì đó, hoặc không thích ai đó, vẫn không thích lái xe và vẫn thường la Quỳnh Lan khi nó chỉ phải mà Bố lại quẹo trái. Nhưng như vậy Bố mới là Bố của tụi con.

Con không gần Bố như gần với Mẹ, không biết nói gì khi thấy Bố buồn để làm vơi những nỗi đau của Bố, không tâm sự và nói lên được những tình cảm của con với Bố như với Mẹ. Nhưng từ một người xa lạ hồi đó, Bố đã trở thành một người không thể thiếu được trong đời chúng con.

Tuy biết chắc là một ngày nào đó Bố sẽ mất đi, nhưng con vẫn chưa mường tượng được cảnh ấy. Con vẫn còn nghĩ rằng Bố Mẹ sẽ mãi mãi bên chúng con. Mỗi khi ý thức được điều này, con không sao cầm lòng được, nước mắt tự nhiên cứ trào ra.

Bố ơi, con muốn nói cho Bố biết, trước khi con hối hận là đã không còn cơ hội để nói với Bố, rằng: Bố ơi, con thương Bố lắm! Và trong dịp lễ Vu Lan ở Làng năm nay, con thấy mình rất hạnh phúc, may mắn và tự hào được cài trên áo hai bông hồng màu đỏ thắm.


Hãy theo gương Thầy mà cẩn trọng vững bước

Trong Lễ Xuất Gia năm nay ở Làng Mai, Tăng thân Hơi Thở Nhẹ đã thật hạnh phúc khi biết tin cháu Thanh Hà, một thiền sinh trẻ từ Việt Nam sang, từng sinh hoạt với Tăng thân khá lâu đã có chí nguyện xuất gia, nguyện rũ bỏ cuộc sống thế tục để tham dự vào đời sống phụng sự cho tha nhân của Tăng Đoàn Làng Mai.
Đây là niềm vui và hãnh diện cho tăng thân Hơi Thở Nhẹ, do đó dù mới từ Việt Nam về , chúng tôi vẫn kêu gọi Tăng thân về Làng yểm trợ tinh thần cho cháu Thanh Hà và sẵn dịp được thăm sức khỏe Sư Ông cùng Tăng Đoàn!

lundi 19 mai 2014

Một nén tâm hương

Chia sẻ nhân ngày Hiệp kỵ của các tác viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội - tháng 5/ 2014 
     Vì vận nước nổi trôi, bất đắc dĩ chúng tôi phải rời quê hương mà đi, ngậm ngùi bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm đã hằn sâu trong lòng thành những nỗi niềm...
     Thông thường những ký ức êm đềm thơ mộng của tuổi thơ vẫn luôn là kho tàng vô giá được nâng niu gìn giữ trong một góc nhỏ của tâm hồn của bất cứ một ai. Song kỷ niệm đáng ghi nhớ và in lại thật đậm nét trong lòng chúng tôi lại là những tháng ngày hăng say với lý tưởng thanh cao, trong sáng, cùng các anh chị tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đi vào làng quê hàn gắn phần nào những đau thương mất mát của đồng bào do chiến tranh gây ra.
     Sau bao năm xa cách quê hương, nay được về thăm quê cha đất tổ, thăm lại mái chùa xưa, lòng những nghẹn ngào xúc động. Cảnh vật giờ đã vật đổi sao dời quá lớn lao khiến ta phải ngỡ ngàng, nuối tiếc!

Bền Bỉ lửa trái tim

Chị thương kính của em,

     Như vậy là chị đã xa chúng em thấm thoát 47 năm rồi. Ngày chị ra đi, em không thế nào quên được, em đã ngồi khóc như mưa bên nhục thân của chị. Thời gian tuy đã xa lắm, nhưng bây giờ hồi tưởng lại, em vẫn còn khóc và thấy mọi chuyện như mới xảy ra.
    Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi (1967), lúc 7 giờ 20 sáng tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, quận 10 mọi người đang tất bật chuẩn bị cho một ngày lễ lớn, ngày vía đức Phật đản sanh. Trên chánh điện tầng một của chùa, các sư cô đang lau chùi bàn thờ, trang hoàng cờ xí, sắp xếp hương hoa, trà quả để dâng cúng chư Bụt và Bồ tát. Mọi người chú tâm lo phần việc của mình nên không để ý đến những gì sắp xảy ra chung quanh.
     Đến khi thấy ngọn lửa bùng lên thật mãnh liệt ở ngay trước chánh điện và sức nóng lan tỏa khắp nơi, các sư cô mới hốt hoảng tri hô lên. Mọi người sững sờ nhìn thân chị ngã gục phía trước trong tư thế ngồi chắp hai tay.

dimanche 16 mars 2014

Tạ ơn Thầy trong mỗi bước chân đi

"...Chúng tôi cẩn trọng hơn trong từng bước chân, nhẹ nhàng và tỉnh thức để cảm nhận mình quá may mắn được bơi lội trong không gian trong lành, tĩnh mặc nơi đây. Bỗng nhớ đến bài thơ “Qua ngõ vắng” mà Thầy đã làm cách đây hơn 30 năm...Hóa ra Thầy đã đi những bước cẩn trọng và tỉnh thức cho dân tộc, cho nhân loại từ lâu, lâu lắm. Và Người đã ân cần nhắc nhở chúng ta phải đi như thế để tự nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng gia đình, tổ tiên, đồng bào…Vậy mà mãi đến bây giờ mới chợt hiểu ra, chúng tôi chỉ biết sụp lạy cúi đầu."
Chân Bảo Nguyện