Quỳnh Hương là một cô thanh nữ năm nay 27 tuổi, đang chuẩn bị dự án tiến sĩ sau khi tốt nghiệp trường kỹ sư Ecole Centrale de Lille, Pháp quốc, khoa vi điện tử (Micro-electronic).
Quỳnh Hương và mẹ qua Pháp đoàn tụ với bố năm 1985 khi vừa tròn sáu tuổi. Vì mẹ đã từng là thành viên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nên từ thuở bé, Quỳnh Hương đã may mắn được cùng gia đình về tu học ở Làng Mai gần như mỗi mùa hè.
Khóa tu mùa hè nào ở Làng Mai đều có tổ chức Lễ Bông Hồng Cài Áo. Trong buổi lễ này, mọi người đều được khuyến khích viết “thư tình” cho mẹ và bố để tỏ lòng biết ơn và trân quý sự có mặt của bố mẹ, khi mình có may mắn được bố mẹ còn sống đó với mình. Quỳnh Hương tuy không được học tiếng Việt nhiều nhưng đã có khả năng bày tỏ tấm lòng của mình cho bố qua bài viết sau đây :
Bố kính yêu ơi,
Lâu lắm rồi con không viết thư cho Bố, hình như lần chót viết thư riêng cho Bố đã cách đây hơn hai mươi năm rồi, hồi con còn nhỏ ở Việt Nam. Lúc đó Mẹ viết thư cho Bố và bảo con viết cho Bố luôn. Hồi ấy, con chỉ biết Bố qua Mẹ thôi! Con còn nhớ Mẹ thường hay hỏi con:“Con thương Bố làm sao, thương Bố như thế nào?”,và con trả lời:“Con thương Bố nhiều thiệt là nhiều như trái đất!”
Vậy mà khi tới Pháp, gặp Bố rồi thì con lại coi Bố như người xa lạ và đòi về Việt Nam ở với ông bà ngoại,mấy dì, mấy cậu. Lúc đó, con coi Bố như người xa lạ. Cũng đúng thôi, vì từ nhỏ ở Việt Nam cho đến khi qua Pháp, con có được gặp Bố bao giờ đâu, có được biết tình thương của Bố như thế nào đâu? Đối với con , Bố chỉ là người làm cho con xa cách ông bà ngoại, mấy dì mấy cậu, xa cách Việt Nam, là người lấy đi một phần tình thương Mẹ dành cho con mà thôi .. Nhưng rồi từ từ con học làm quen với Bố, học thương Bố. Bây giờ suy nghĩ lại con thấy là tình thương con dành cho Bố trải qua nhiều giai đoạn:
Bắt đầu bằng tình thương của một đứa con nít, cho rằng không ai bằng Bố của mình, thần tượng Bố quá! Con thấy Bố chăm sóc con và mấy em, lo cho tụi con từng chút. Bố dẫn tụi con đến trường, dẫn tụi con đi học đàn, dạy tụi con học. Bố học luôn mấy bài học thuộc lòng chung với tụi con, và bị tụi con đổ lỗi Bố khi điểm không được như ý muốn của tụi con. Gặp ai con cũng so sánh với Bố hết, và lẽ đương nhiên không ai bằng Bố cả.
Đến khi tới tuổi mới lớn thì lại giận Bố, cãi với Bố, hờn Bố vì Bố khó quá: con là chị cả, mà lại là con gái nên Bố cấm cái nầy, cấm cái nọ. Và vì đã đặt Bố quá cao nên thế nào rồi Bố cũng bị rơi xuống thôi. Bố cũng là con người với những tánh tốt và tật xấu của Bố. Nhưng thời điểm đó, con chỉ chú ý đến những tật xấu của Bố mà thôi: nào là Bố gàn, Bố nóng tánh, Bố độc tài, Bố không thương và hiểu con.
Đúng là khi mới lớn, nhiều lúc giận Bố Mẹ, bị cơn giận lôi kéo cho nên quên đi những đêm khuya, tuy mệt Bố vẫn thức chờ con từ thư viện về để ra đón con ở ga, quên đi những lúc học mệt, Bố pha ly nước cam cho con uống, quên đi là mỗi khi con cần nhờ Bố việc gì, Bố cũng sẵn sàng làm giùm cho con.
Đến bây giờ nhìn lại, khi ý thức được hết tình thương của Bố thì hai mươi năm đã qua. Tóc Bố đầy “tuyết sương”rồi. Bố hết mạnh khỏe như xưa. Bố vẫn là Bố với những tính tốt và tính xấu của Bố, vẫn gàn, vẫn mặt chù ụ như con sư tử khi không thích một cái gì đó, hoặc không thích ai đó, vẫn không thích lái xe và vẫn thường la Quỳnh Lan khi nó chỉ phải mà Bố lại quẹo trái. Nhưng như vậy Bố mới là Bố của tụi con.
Con không gần Bố như gần với Mẹ, không biết nói gì khi thấy Bố buồn để làm vơi những nỗi đau của Bố, không tâm sự và nói lên được những tình cảm của con với Bố như với Mẹ. Nhưng từ một người xa lạ hồi đó, Bố đã trở thành một người không thể thiếu được trong đời chúng con.
Tuy biết chắc là một ngày nào đó Bố sẽ mất đi, nhưng con vẫn chưa mường tượng được cảnh ấy. Con vẫn còn nghĩ rằng Bố Mẹ sẽ mãi mãi bên chúng con. Mỗi khi ý thức được điều này, con không sao cầm lòng được, nước mắt tự nhiên cứ trào ra.
Bố ơi, con muốn nói cho Bố biết, trước khi con hối hận là đã không còn cơ hội để nói với Bố, rằng: Bố ơi, con thương Bố lắm! Và trong dịp lễ Vu Lan ở Làng năm nay, con thấy mình rất hạnh phúc, may mắn và tự hào được cài trên áo hai bông hồng màu đỏ thắm.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire