mercredi 19 février 2014

Phiên chợ mừng Xuân - 2013

Chủ nhật mùng bảy tháng tư,
Chợ phiên không dự về nhà không yên.
Món ăn từ khắp mọi miền,
Thêm phần văn nghệ tưng bừng vui thay!

Hằng năm, cứ mỗi khi tổ chức Tết vừa xong là các sư cô của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ lại tất bật chuẩn bị cho Ngày Chợ Phiên liền ngay sau đó khoảng một tuần. Năm nay vì có Khóa tu Xuất Sĩ một tuần lễ tiếp theo những ngày Tết ở Làng, lại thêm một số các anh chị đi hành hương Ấn Độ đến gần cuối tháng ba mới về và nhất là thời tiết năm nay hơi lạ, đã sắp sang xuân rồi mà tuyết vẫn còn rơi, nên các sư cô đành phải hoãn ngày Chợ Phiên vào đầu tháng tư.
Chủ nhật mùng bảy tháng tư đã được loan truyền nhanh đến tăng thân. Mọi người ghi danh nhận làm món ăn mình sẽ bán và chuẩn bị mua sắm vật dụng từ tuần lễ trước. Các sư cô trẻ rất tích cực, tháo vát và làm việc thật đồng bộ, nhịp nhàng, vén khéo. Sư cô Cảnh Nghiêm phụ trách việc các cô chú đăng ký bán các món ẩm thực trong ngày Chợ Phiên. Thực đơn vô cùng hấp dẫn: bánh cuốn Hậu Giang, bò pía Triều Châu, chả giò Sa Đéc, xôi vò Hà Nội, pâté chaud, cà ri Lào, bánh bao Chợ Lớn, bánh crêpe France, cà phê Việt Nam, chè ba màu, bánh xèo, mắm thái Bến Tre (mắm thái ngon nổi tiếng của cô Bảy)… và còn rất nhiều món ăn khác nữa mà chúng tôi nhớ không hết.



Món ăn từ khắp mọi miền...

Ngay từ tờ mờ sáng, các sư cô đã cho đặt các quầy hàng ở sân gỗ của Thiền đường. Mỗi quầy là một tấm ván dài độ một thước vuông vức, đủ để cho người bán bày thức ăn của mình lên phía trước và ngồi bán ở phía sau, rất gọn gàng, ngăn nắp. Đúng 10 giờ sáng, các hàng quán đã được bày biện gần như đầy đủ. Ngay ở đầu cổng đi vào Chợ Phiên, cạnh những cây trúc xinh có đặt một bàn để bán vé cho khách du xuân. Muốn mua quà hoặc đồ ăn thức uống, du khách phải trả bằng vé, mỗi vé có giá trị tương đương với 1€. Sư cô Phùng Nghiêm phụ trách quầy bán vé với niềm hạnh phúc được thể hiện trên gương mặt rạng rỡ, tươi cười.

Ngoài ra còn có quầy hàng bán kinh sách Phật, gối ngồi thiền... được bày ở khu vườn phía trước sàn gỗ. Cạnh bên là quầy "mực tàu giấy đỏ" của cụ đồ Phùng Nghiêm với áo dài thâm đen đang ngồi cho chữ khách qua đường. Nét đặc biệt của cụ đồ này là viết bằng tay trái song nét chữ vẫn đẹp như phượng múa rồng bay. Từ cổng ngoài đường đi vào, phía bên trái, nơi có vườn hoa nhỏ xinh xinh được sư cô Văn Nghiêm dựng một quán trà thật thơ mộng và thiền vị. Chỉ riêng nơi quán trà thiền vị này, du khách được thoải mái ngồi thưởng thức hương vị thơm tho của trà thật sảng khoái, tận hưởng cái thanh thản nhẹ nhàng, an lạc mà không phải trả một vé nào cả. Sư cô baby Nguyệt Nghiêm là sư em nhỏ nhất nên được giao nhiệm vụ trợ giúp sư mẹ và các sư chị mỗi khi có việc cần.

Thỉnh thoảng, một hồi chuông được thỉnh lên. Đại chúng cùng im lặng trở về với hơi thở và nhận diện cái hạnh phúc dịu dàng, đằm thắm đang lan tỏa khắp chung quanh. Trời hôm ấy sao bỗng dưng đẹp lạ lùng. Ánh nắng chan hòa, chim chóc hót vang, tăng thân khắp nơi đổ về, người quen kẻ lạ nhưng trong ánh mắt tràn đầy tình thương. Các cháu sinh viên xa nhà chắc cũng thấy ấm lòng khi được đắm mình trong không gian thương yêu, đầy tình quê hương dân tộc.

Đúng 10 giờ, các sư cô mời tất cả mọi người cùng tập trung phía trước cổng Chợ Phiên chờ đợi. Một cụ già Tây phương thật phúc hậu với chiếc áo dài vàng cổ truyền Việt Nam, hai tay dắt hai em nhỏ đang từ từ tiến ra cổng để khai mạc phiên chợ. Đây chính là Sư cô Giác Nghiêm, sư cô trụ trì người Pháp thật đáng kính của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ.

Sư cô Giác Nghiêm, trú trì Thiền đường Hơi Thở Nhẹ
Sau đó là bắt đầu các trò chơi nhân gian như thi đua thổi bong bóng xem ai thổi to nhất. Song hấp dẫn nhất là trò chơi nhảy sạp bằng những khúc tre dài đập vào nhau cho mọi người nhảy qua. Tiếng cười lại vang lên khi có những người nhảy sai bị tre đập vào chân hoặc nhảy lung tung, không theo đúng luật nhảy. Những thiền sinh Tây phương rất thích thú với trò chơi nhảy sạp này, có một cô người Pháp vừa bế con nhỏ vừa nhảy rất phấn khởi, vui vẻ…

Rồi bỗng xuất hiện Ban đàn ca tài tử với chú Tấn Long chơi guitare làm nhạc trưởng, các ca sĩ là những cô chú lớn tuổi cùng nhau hợp ca để đón xuân. Không khí tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên. Như có khí thế, mọi người lại cùng hát vang lên bài Việt Nam. Tiếp sau đó là những bài tình ca về quê hương, đất nước cứ rộn rã ngân dài, vang vọng.


Và rồi phiên chợ bắt đầu với xôn xao hàng quán.

Các cô chú bán hàng mặt tươi như hoa, nụ cười "la vache qui rit" (con bò cười) luôn nở trên môi, hớn hở chào đón khách. Tiếng rao hàng thỉnh thoảng vang lên: "Bánh bao nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây", cô Huệ vừa rao vừa bán.

"Cà phê giúp trí nhớ, uống vào một ly nhớ mãi không thôi", chú Đức cũng không quên quảng cáo cho cà phê của mình.

Cô Hiệp phụ họa rao theo: "Bánh cuốn Hậu Giang ngon thơm nổi tiếng, 3 đồng một đĩa bà con ơi".

"Chè xôi ngon thơm béo bổ, nhanh chân thì còn, chậm chân… cũng vẫn còn".

Đặc biệt năm nay có gian hàng cà phê do chú Đức ngồi pha và phục vụ khách hàng. Vì là "gươm lạc giữa rừng hoa" nên thật tội nghiệp cho chú! Quầy hàng của chú chỉ vỏn vẹn có cái ghế nhỏ đủ để vài ly cà phê mà thôi. Mặc dù vậy, đây lại là gian hàng thu hút đông đảo khách đến. Tuy không phải là cô hàng cà phê xinh đẹp như trong bài hát "Cô hàng nước", song cái duyên dáng, dí dỏm, tươi vui của chú cũng làm "say đắm" biết bao khách hàng đang ghiền cà phê. Đã có hơn 70 lượt khách hàng đã ghé qua gian hàng này, sắp hàng chờ đợi đến phiên mình để được hạnh phúc thưởng thức cái hương vị đậm đà của cà phê Việt Nam.

Món xôi vò nổi tiếng tơi ngon, mềm và dẻo là của cô Mộc Duyên. Vì có việc quan trọng ở nhà nên cô đã nhờ chú Đức bán hộ. Thế là ngoài việc bán cà phê, chú Đức lại kiêm cả bán xôi vò. Cả hai món đều được khách chiếu cố khá nhiều, nên trong lúc lo phục vụ cà phê cho khách hàng, không để ý đến hàng xôi vò, bỗng chốc nồi xôi biến mất. Khổ thân cho chú! Chú Đức bỗng thất thanh kêu lên với cô Hiệp (bà xã của chú) đang ngồi bán bánh cuốn bên cạnh: "Em ơi! Sao bỗng dưng nồi xôi vò của anh biến mất rồi! Khách lại mua chè xôi mà bây giờ không có xôi để bán! Làm sao đây?"

Cô Hiệp vội ngừng tay bán bánh cuốn và ngồi yên đảo mắt qua một vòng. Thôi, đích thị "thủ phạm" đây rồi! Cô Bích chè nhà ta vì thấy xôi vò ngon quá mà bạn bè trong Tăng thân bận lo hàng quán, không có thời giờ đi mua để thưởng thức nên đã vội vàng không kịp báo cho khổ chủ biết, từ bi xớt nhẹ nồi xôi đem cho bà con nếm qua hương vị xôi vò ăn với hành phi. Cô Hiệp được một phen cười như nắc nẻ, vừa thương, vừa tội cho "người yêu" của mình. Vì quá mê say việc nước nên đã quên để ý đến việc nhà (là nồi xôi vò). Và cứ thế đó đây vang lên những âm thanh rao hàng, hòa với tiếng ca của đoàn hát rong đang trình diễn giúp vui cho phiên chợ.

Khi mới bắt đầu dọn hàng, nhìn thấy quá nhiều hàng quán với la liệt những thức ăn, mọi người đều tỏ vẻ lo sợ thức ăn bị ế, vì người bán nhiều hơn người mua. Nhưng sau đó thì mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì khách hàng đến càng ngày càng đông, có những người mới đến lần đầu và nói nhờ xem internet nên biết hôm nay có chợ phiên và đến xem thử.

Cô Anh Thư đang vui mừng nhảy múa theo nhịp đàn và hãnh diện báo tin: "Bò bía em bán hết ráo trọi!” Cô Huệ cũng thong dong ca hát vì đã hết bánh bao. Chè cô Bích, xôi vò cô Mộc Duyên cũng không còn. Pâté chaud của cô Ngọc Anh, cơm rang Tỷ muội của cô Mai, mắm thái cô Bảy, bánh cuốn cô Hiệp đều bán sạch trơn. Năm nay, cô Hiệp làm đến ba hộp đầy bánh cuốn song bán cũng không đủ. Những khách hàng đến muộn đều tiếc rẻ vì không được thưởng thức món bánh cuốn đặc biệt chỉ có ở Hơi Thở Nhẹ.

Sư cô Cảnh Nghiêm đã cho biết tất cả các thức ăn đều hết sạch, vì mãi đến chiều khách vẫn đến viếng và mua các thức ăn còn lại. Như vậy là chúng ta đã gặt hái tương đối khả quan. Sau khi hàng quán đã đóng cửa, mọi người vào Thiền đường nghỉ ngơi, uống trà và trò chuyện thân mật.


Triển lãm thư pháp

Trong chương trình buổi chiều, đại chúng được xem triển lãm thư pháp và thưởng thức văn nghệ. Thư pháp của Sư Ông được trưng bày ở Chánh Điện. Nhìn vào nét chữ, ta hình dung được hình ảnh một người Thầy, một người cha thật đáng kính đang để hết tâm huyết của mình dặn dò học trò và con cháu nghệ thuật sống cho có hạnh phúc:


Bienvenue au pays de l’instant Présent 

Bois ton thé

Je suis là pour toi

Je suis amoureuse de la terre mère

Hoặc :

Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ

Làm người một kiếp cũng như không.

Tất cả thư pháp được các sư cô sắp xếp một cách hài hòa, mỹ thuật, trong không gian thư giãn, thảnh thơi khiến ai ai cũng cảm nhận hạnh phúc, an lạc.

Tiếp theo là phần văn nghệ cây nhà lá vườn nhưng cũng khá phong phú về chất lượng với tài điều khiển chương trình của MC Vịnh Nghiêm. Ngoài những tài năng cũ như giọng ca ngọt ngào Nam bộ của cô Bích, tài đạo diễn chuyên nghiệp của cô Kim Chính, màn song ca thật độc đáo của hai anh chị Ứng Long, Ngọc Anh thì Thiền đường Hơi Thở Nhẹ lại mới "khai quật" thêm một giọng ca vọng cổ thật mùi của một bạn trẻ. Cùng với ngón đàn tranh réo rắt của cô Mỹ Vân là một tay đàn vừa piano vừa guitare rất tài năng của cháu Thanh nhỏ. Bên cạnh đó là một giọng ca mới khá hay của một bác lớn tuổi nhưng tâm hồn vẫn rất trẻ trung qua hai bài hát Chân quêHoa tím ngày xưa (hai bài hát thật lãng mạn và thơ mộng của giới trẻ). Trong tương lai, văn nghệ của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ sẽ rất phong phú, đa dạng và có nhiều triển vọng vì càng ngày càng "khai quật" thêm nhiều tài năng mới.

Cuối chương trình là phần đi thiền hành ở bờ sông Marnes để nếm được những bước chân thảnh thơi nơi cõi Tịnh. Toàn thể đại chúng đã ra về trong niềm bình an, hạnh phúc.

Trên đường về nhà, chúng tôi chợt nghĩ: “Nếu không có Tăng thân thật dễ thương, mỗi khi hữu sự là nhiệt tình chung lưng góp sức, không nề hà gian khó, nếu không có các cháu trẻ đến Thiền đường sinh hoạt để thổi vào luồng gió tươi mát trẻ trung cho tăng thân, nếu không có các sư cô trẻ với tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng phụng sự, làm sao chúng ta có được ngày chợ phiên ấm áp nghĩa tình như hôm nay!”

Xin cám ơn những tấm lòng, những đóng góp quên mình của các sư cô, các bạn và các cháu thương yêu, cám ơn những giận hờn nho nhỏ để làm nên tình thương sâu nặng, những tình cảm ngày càng bền chặt trong tim của từng người.

Và có lẽ tình huynh đệ lại thắm thiết hơn qua mỗi buổi chợ phiên.

Chợ phiên chủ nhật đã xong
Mà bao kỷ niệm trong lòng còn vương.
Một ngày nắng đẹp đầu xuân.


Chân Bảo Nguyện

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire