lundi 26 mai 2014

Thư gửi Mẹ nhân ngày Fête des Mères



Me yêu quý của con,

Mới thoáng qua thôi mà đã hơn ba mươi mấy năm trời rồi !
Con còn nhớ hồi nhỏ ở VN,  mẹ thường ru con những câu sau đây, và năm đầu tiên con về Làng (1987) Bố Mẹ cũng dạy con bài ấy và con có đọc cho Su Ông nghe :

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời

Ấy vậy mà dòng đời đã trôi, con giờ đã lớn khôn, Quỳnh Lan và Huy giờ cũng đã trưởng thành…
Mới thoáng qua thôi mà giờ Mẹ đã về hưu.
     Mẹ ơi , Mẹ có biết không, dù có lúc cãi bướng với Mẹ, dù có lúc hỗn hào với Mẹ, dù có lúc làm cho Mẹ buồn, không nghe lời Mẹ và không biết trân quý những giây phút bên cạnh Mẹ, nhưng mỗi ngày con đều cầu Trời Phật cho Mẹ sống thật lâu với tụi con.
     Mẹ ơi, Mẹ có biết không, con luôn nghĩ rằng được làm con gái của Mẹ là một trong những điều may mắn nhất cua đời con !
     Mẹ còn nhớ không, vì hồi đó Bố ở xa, cho nên con chỉ có Mẹ và Mẹ chỉ có con, hai mẹ con nương tựa vào nhau. Cám ơn Mẹ đã dạy con từng ly từng tí !
     Cám ơn Mẹ đã dạy con lòng từ bi, biết thương người nghèo, thương nguoi bất hạnh hon minh. Me đã dạy con không cho thì thôi, nhưng khi đã cho người nghèo thi không được tính toán và không được kể công.
 Con còn nhớ hồi nhỏ, lúc con độ 3-4 tuổi , có một bà ăn xin với đứa con gái khoản tuổi con ; thay vì cho tiền bà ấy, Me tìm cách cho bà 50 vé số để bà đi bán , tạo cho bà cơ hội để kiếm sống và lấy áo đầm của con cho bé gái
     Lúc đầu con giận Mẹ vì Mẹ đã cho áo đẹp của con, nhưng Mẹ kể chuyện của gia đình bà ấy cho con, và nói rằng nếu Mẹ con mình không may mắn cũng có thể đã bị như họ rồi . Con thấy tội bé đó, lấy 2-3 cái áo đem cho luôn !
     Cám ơn Mẹ đã dạy con biết tu tập, biết đi chùa khi con còn bé. Mẹ dẫn con đi chùa Từ Nghiêm ở Vietnam, con đã quy y với Sư Ông Thanh Từ, và sau khi qua Pháp thì quy y với Sư Ông Nhất Hạnh
     Dù nhà mình khi ấy còn nghèo, Bố Mẹ vẫn cho con về Làng mỗi năm vào mùa hè , được tu tập với quý thầy quý sư cô. Được lớn lên trong môi trường của Làng, được là “cây Mận của Làng”, con mới được như ngày hôm nay, con mới hạnh phúc va may mắn như ngày hôm nay.

     Cám ơn Me đã day con tánh tự lập và tinh thần trách nhiệm ngay từ nhỏ. Mẹ đã cho con đi về Làng với chú Minh và tự lo cho bản thân mình. Mẹ không về được với con nhưng dặn dò con rất kỹ rằng, con phải ngoan ngoãn nghe lời chu Minh. Con về Làng, nhưng cử chỉ của con không những là hình ảnh cùa riêng con mà cũng là hinh ảnh của Bố Me nữa.

    Cám ơn Mẹ là Mẹ của tụi con.
    Nhân ngày Fête des Mères, tuy rằng con không ở bên cạnh Mẹ được, con vẫn luôn luôn nhớ Mẹ và cuối tuần sau con sẽ được về nhà thăm Bố Mẹ  .

Con,
Quynh Huong

jeudi 22 mai 2014

Hội ngộ bên Thầy

Đây là bài thơ của một phật tử ở Việt Nam đã tham dự khóa tu với tăng thân tại
Thái Lan. BBT xin được gởi đến quý vị thân hữu.

Bao năm đành xa cách!
Được hội ngộ ... bên Thầy
Tưởng như là cơn mộng
Nước mắt dâng tràn mi...

Núi xa, mờ sương phủ
Trúc còn ủ hương đêm
Hạt kim cương diễm tuyệt
Long lanh màu tỉnh thức
Mặt trời hồng đang lên...

Tờ lá nào mỏng manh
Sắc vàng chen sắc đỏ
Ẩn những đốm màu xanh
Buông nhẹ tà áo chị...

Tặng em vừa quen biết
Được thiền hành bên nhau
Lối cỏ dài xanh mướt
Sỏi thầm thì xôn xao

Bàn tay con bé bỏng
Trên bàn tay Sư Ông
Nâng tiếng chuông Chánh Niệm
Đi vào... không gian trong.

Ôi! bây giờ... hạnh phúc
Đâu phải là chiêm bao
Thời gian ơi thong thả
Có chia tay đâu mà.

Nakhonnayok, Thailand
Tâm Phước Tịnh
10-2010

Thương gửi Bố

Quỳnh Hương là một cô thanh nữ năm nay 27 tuổi, đang chuẩn bị dự án tiến sĩ sau khi tốt nghiệp trường kỹ sư Ecole Centrale de Lille, Pháp quốc, khoa vi điện tử (Micro-electronic).

Quỳnh Hương và mẹ qua Pháp đoàn tụ với bố năm 1985 khi vừa tròn sáu tuổi. Vì mẹ đã từng là thành viên của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nên từ thuở bé, Quỳnh Hương đã may mắn được cùng gia đình về tu học ở Làng Mai gần như mỗi mùa hè.

Khóa tu mùa hè nào ở Làng Mai đều có tổ chức Lễ Bông Hồng Cài Áo. Trong buổi lễ này, mọi người đều được khuyến khích viết “thư tình” cho mẹ và bố để tỏ lòng biết ơn và trân quý sự có mặt của bố mẹ, khi mình có may mắn được bố mẹ còn sống đó với mình. Quỳnh Hương tuy không được học tiếng Việt nhiều nhưng đã có khả năng bày tỏ tấm lòng của mình cho bố qua bài viết sau đây :



Bố kính yêu ơi,

Lâu lắm rồi con không viết thư cho Bố, hình như lần chót viết thư riêng cho Bố đã cách đây hơn hai mươi năm rồi, hồi con còn nhỏ ở Việt Nam. Lúc đó Mẹ viết thư cho Bố và bảo con viết cho Bố luôn. Hồi ấy, con chỉ biết Bố qua Mẹ thôi! Con còn nhớ Mẹ thường hay hỏi con:“Con thương Bố làm sao, thương Bố như thế nào?”,và con trả lời:“Con thương Bố nhiều thiệt là nhiều như trái đất!”

Vậy mà khi tới Pháp, gặp Bố rồi thì con lại coi Bố như người xa lạ và đòi về Việt Nam ở với ông bà ngoại,mấy dì, mấy cậu. Lúc đó, con coi Bố như người xa lạ. Cũng đúng thôi, vì từ nhỏ ở Việt Nam cho đến khi qua Pháp, con có được gặp Bố bao giờ đâu, có được biết tình thương của Bố như thế nào đâu? Đối với con , Bố chỉ là người làm cho con xa cách ông bà ngoại, mấy dì mấy cậu, xa cách Việt Nam, là người lấy đi một phần tình thương Mẹ dành cho con mà thôi .. Nhưng rồi từ từ con học làm quen với Bố, học thương Bố. Bây giờ suy nghĩ lại con thấy là tình thương con dành cho Bố trải qua nhiều giai đoạn:

Bắt đầu bằng tình thương của một đứa con nít, cho rằng không ai bằng Bố của mình, thần tượng Bố quá! Con thấy Bố chăm sóc con và mấy em, lo cho tụi con từng chút. Bố dẫn tụi con đến trường, dẫn tụi con đi học đàn, dạy tụi con học. Bố học luôn mấy bài học thuộc lòng chung với tụi con, và bị tụi con đổ lỗi Bố khi điểm không được như ý muốn của tụi con. Gặp ai con cũng so sánh với Bố hết, và lẽ đương nhiên không ai bằng Bố cả.

Đến khi tới tuổi mới lớn thì lại giận Bố, cãi với Bố, hờn Bố vì Bố khó quá: con là chị cả, mà lại là con gái nên Bố cấm cái nầy, cấm cái nọ. Và vì đã đặt Bố quá cao nên thế nào rồi Bố cũng bị rơi xuống thôi. Bố cũng là con người với những tánh tốt và tật xấu của Bố. Nhưng thời điểm đó, con chỉ chú ý đến những tật xấu của Bố mà thôi: nào là Bố gàn, Bố nóng tánh, Bố độc tài, Bố không thương và hiểu con.

Đúng là khi mới lớn, nhiều lúc giận Bố Mẹ, bị cơn giận lôi kéo cho nên quên đi những đêm khuya, tuy mệt Bố vẫn thức chờ con từ thư viện về để ra đón con ở ga, quên đi những lúc học mệt, Bố pha ly nước cam cho con uống, quên đi là mỗi khi con cần nhờ Bố việc gì, Bố cũng sẵn sàng làm giùm cho con.

Đến bây giờ nhìn lại, khi ý thức được hết tình thương của Bố thì hai mươi năm đã qua. Tóc Bố đầy “tuyết sương”rồi. Bố hết mạnh khỏe như xưa. Bố vẫn là Bố với những tính tốt và tính xấu của Bố, vẫn gàn, vẫn mặt chù ụ như con sư tử khi không thích một cái gì đó, hoặc không thích ai đó, vẫn không thích lái xe và vẫn thường la Quỳnh Lan khi nó chỉ phải mà Bố lại quẹo trái. Nhưng như vậy Bố mới là Bố của tụi con.

Con không gần Bố như gần với Mẹ, không biết nói gì khi thấy Bố buồn để làm vơi những nỗi đau của Bố, không tâm sự và nói lên được những tình cảm của con với Bố như với Mẹ. Nhưng từ một người xa lạ hồi đó, Bố đã trở thành một người không thể thiếu được trong đời chúng con.

Tuy biết chắc là một ngày nào đó Bố sẽ mất đi, nhưng con vẫn chưa mường tượng được cảnh ấy. Con vẫn còn nghĩ rằng Bố Mẹ sẽ mãi mãi bên chúng con. Mỗi khi ý thức được điều này, con không sao cầm lòng được, nước mắt tự nhiên cứ trào ra.

Bố ơi, con muốn nói cho Bố biết, trước khi con hối hận là đã không còn cơ hội để nói với Bố, rằng: Bố ơi, con thương Bố lắm! Và trong dịp lễ Vu Lan ở Làng năm nay, con thấy mình rất hạnh phúc, may mắn và tự hào được cài trên áo hai bông hồng màu đỏ thắm.


Hãy theo gương Thầy mà cẩn trọng vững bước

Trong Lễ Xuất Gia năm nay ở Làng Mai, Tăng thân Hơi Thở Nhẹ đã thật hạnh phúc khi biết tin cháu Thanh Hà, một thiền sinh trẻ từ Việt Nam sang, từng sinh hoạt với Tăng thân khá lâu đã có chí nguyện xuất gia, nguyện rũ bỏ cuộc sống thế tục để tham dự vào đời sống phụng sự cho tha nhân của Tăng Đoàn Làng Mai.
Đây là niềm vui và hãnh diện cho tăng thân Hơi Thở Nhẹ, do đó dù mới từ Việt Nam về , chúng tôi vẫn kêu gọi Tăng thân về Làng yểm trợ tinh thần cho cháu Thanh Hà và sẵn dịp được thăm sức khỏe Sư Ông cùng Tăng Đoàn!

lundi 19 mai 2014

Một nén tâm hương

Chia sẻ nhân ngày Hiệp kỵ của các tác viên Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội - tháng 5/ 2014 
     Vì vận nước nổi trôi, bất đắc dĩ chúng tôi phải rời quê hương mà đi, ngậm ngùi bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm đã hằn sâu trong lòng thành những nỗi niềm...
     Thông thường những ký ức êm đềm thơ mộng của tuổi thơ vẫn luôn là kho tàng vô giá được nâng niu gìn giữ trong một góc nhỏ của tâm hồn của bất cứ một ai. Song kỷ niệm đáng ghi nhớ và in lại thật đậm nét trong lòng chúng tôi lại là những tháng ngày hăng say với lý tưởng thanh cao, trong sáng, cùng các anh chị tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đi vào làng quê hàn gắn phần nào những đau thương mất mát của đồng bào do chiến tranh gây ra.
     Sau bao năm xa cách quê hương, nay được về thăm quê cha đất tổ, thăm lại mái chùa xưa, lòng những nghẹn ngào xúc động. Cảnh vật giờ đã vật đổi sao dời quá lớn lao khiến ta phải ngỡ ngàng, nuối tiếc!

Bền Bỉ lửa trái tim

Chị thương kính của em,

     Như vậy là chị đã xa chúng em thấm thoát 47 năm rồi. Ngày chị ra đi, em không thế nào quên được, em đã ngồi khóc như mưa bên nhục thân của chị. Thời gian tuy đã xa lắm, nhưng bây giờ hồi tưởng lại, em vẫn còn khóc và thấy mọi chuyện như mới xảy ra.
    Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi (1967), lúc 7 giờ 20 sáng tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, quận 10 mọi người đang tất bật chuẩn bị cho một ngày lễ lớn, ngày vía đức Phật đản sanh. Trên chánh điện tầng một của chùa, các sư cô đang lau chùi bàn thờ, trang hoàng cờ xí, sắp xếp hương hoa, trà quả để dâng cúng chư Bụt và Bồ tát. Mọi người chú tâm lo phần việc của mình nên không để ý đến những gì sắp xảy ra chung quanh.
     Đến khi thấy ngọn lửa bùng lên thật mãnh liệt ở ngay trước chánh điện và sức nóng lan tỏa khắp nơi, các sư cô mới hốt hoảng tri hô lên. Mọi người sững sờ nhìn thân chị ngã gục phía trước trong tư thế ngồi chắp hai tay.

dimanche 16 mars 2014

Tạ ơn Thầy trong mỗi bước chân đi

"...Chúng tôi cẩn trọng hơn trong từng bước chân, nhẹ nhàng và tỉnh thức để cảm nhận mình quá may mắn được bơi lội trong không gian trong lành, tĩnh mặc nơi đây. Bỗng nhớ đến bài thơ “Qua ngõ vắng” mà Thầy đã làm cách đây hơn 30 năm...Hóa ra Thầy đã đi những bước cẩn trọng và tỉnh thức cho dân tộc, cho nhân loại từ lâu, lâu lắm. Và Người đã ân cần nhắc nhở chúng ta phải đi như thế để tự nuôi dưỡng mình và nuôi dưỡng gia đình, tổ tiên, đồng bào…Vậy mà mãi đến bây giờ mới chợt hiểu ra, chúng tôi chỉ biết sụp lạy cúi đầu."
Chân Bảo Nguyện

Khóa tu cho người “Ít trẻ”

Khóa tu 22-23.06.2013 tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ


Thiền đuờng Hơi Thở Nhẹ đã ba lần mở khóa tu cho người trẻ, song lần đầu tiên, khóa tu cho người «Ít trẻ» mới được tổ chức trong hai ngày 22 và 23 tháng Sáu vừa qua.

Đã có hơn 60 người ghi danh cho hai ngày tu Chánh Niệm tuy ngắn ngủi nhưng đã đem lại nhiều lợi lạc trong việc thực tập các pháp môn của Làng Mai .

Tất cả những kinh nghiệm thực tập trong quá trình tu học của các Thầy và Sư Cô đã được chia sẻ qua hai buổi pháp thoại và pháp đàm đầy thú vị, bổ ích và thiết thực. Đây không phải là những bài học về giáo lý Phật giáo, chỉ có lý thuyết suông mà là những trải nghiệm về cách chuyển hóa những điều tiêu cực, những tâm hành không lành đẹp như sự giận dữ, đố kỵ, ganh ghét , tham lam, sân hận và si mê .

Thông qua những pháp môn về Chánh Niệm đã được Sư Ông truyền trao, hai thầy Giới Đạt và Pháp Tịnh đã kể cho mọi người nghe những kinh nghiệm của hành trình thực tập đầy gian nan thử thách, để cuối cùng các thầy đã nếm được một phần của hương vị giải thoát, an lạc.

Đại chúng đến tu học, tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của riêng mình sẽ tích lũy và học hỏi những kinh nghiệm quí báu trên làm hành trang tâm linh trong cuộc sống, giúp mỗi người ngày càng hoàn thiện hơn, sống nhẹ nhàng thảnh thơi và có khả năng nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại hơn.

Thông điệp của Khóa Tu được trình bày bằng một bức Thư pháp của Sư Ông được trang trọng đặt ở trung tâm của bàn thờ:


Lời tâm tình thủ thỉ của các cô chú dành cho giới trẻ đã tham dự Trại Hè Hơi Thở Nhẹ




Khóa tu hai ngày của giới trẻ qua đi thật nhanh, để lại trong lòng mọi người bao nhiêu niềm vui và sự an lạc.Thiền Đường Hơi Thở Nhẹ đã ba lần tổ chức những trại hè ngắn ngày dành cho các cháu trẻ, vừa vui chơi thanh thản song cũng nhẹ nhàng thấm nhuần hương vị của an lạc, giải thoát. Những bài pháp sâu lắng, những thực tập chánh niệm trong đi, đứng, nằm, ngồi cũng như trong cách nói năng và suy nghĩ, những chăm sóc thương yêu của các cô, các bác đã tận tụy suốt ngày trong bếp để lo các bữa ăn cho gần 80 người, đã lắng đọng trong lòng các cháu bao nỗi niềm thương yêu và sự biết ơn. Riêng đối với các cháu lần đầu tiên bước chân đến Thiền đường và tiếp xúc với pháp môn Chánh Niệm, đây thật sự là một khám phá mới lạ giúp các cháu trải nghiệm về một cách sống mới có ý thức, có bình an, có tự do thật sự mà không bị những ràng buộc bên ngoài đang như cơn nước lũ cuốn trôi mãnh liệt!


jeudi 20 février 2014

Lời nói với việc làm

« Gừng càng già càng cay », còn người già thì sao nhỉ, tôi tự hỏi ? Nghe nhiều, thấy nhiều, kinh nghiệm nhiều hay là lặp đi lặp một kinh nghiệm chăng ?

Tôi đã trải nghiệm qua nhiều cuộc bể dâu, di tản nhiều lần, từ thành thị về thôn quê, từ Bắc vào Nam, từ trong nước ra ngoài nước, nay đã vượt quá cái tuổi « thất thập cổ lai hy », với hơn nửa chục năm bonus nữa, kể ra đã có nhiều may mắn, thọ hưởng nhiều phúc đức của ông bà !

Tôi nhận thấy trong nhiều lãnh vực, chính trị, kinh tế, xã hội, trong đạo cũng như ngoài đời, lời nói với việc làm, thường không đi đôi với nhau mà còn có khoảng cách khá dài. Ngay ở thế kỷ 17, nhà văn hào Pháp Molière cũng có nhận xét tương tự : « Le chemin est long du projet à la chose » (Có một chặng đường dài từ dự tính đến việc làm).

mercredi 19 février 2014

Phiên chợ mừng Xuân - 2013

Chủ nhật mùng bảy tháng tư,
Chợ phiên không dự về nhà không yên.
Món ăn từ khắp mọi miền,
Thêm phần văn nghệ tưng bừng vui thay!

Hằng năm, cứ mỗi khi tổ chức Tết vừa xong là các sư cô của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ lại tất bật chuẩn bị cho Ngày Chợ Phiên liền ngay sau đó khoảng một tuần. Năm nay vì có Khóa tu Xuất Sĩ một tuần lễ tiếp theo những ngày Tết ở Làng, lại thêm một số các anh chị đi hành hương Ấn Độ đến gần cuối tháng ba mới về và nhất là thời tiết năm nay hơi lạ, đã sắp sang xuân rồi mà tuyết vẫn còn rơi, nên các sư cô đành phải hoãn ngày Chợ Phiên vào đầu tháng tư.
Chủ nhật mùng bảy tháng tư đã được loan truyền nhanh đến tăng thân. Mọi người ghi danh nhận làm món ăn mình sẽ bán và chuẩn bị mua sắm vật dụng từ tuần lễ trước. Các sư cô trẻ rất tích cực, tháo vát và làm việc thật đồng bộ, nhịp nhàng, vén khéo. Sư cô Cảnh Nghiêm phụ trách việc các cô chú đăng ký bán các món ẩm thực trong ngày Chợ Phiên. Thực đơn vô cùng hấp dẫn: bánh cuốn Hậu Giang, bò pía Triều Châu, chả giò Sa Đéc, xôi vò Hà Nội, pâté chaud, cà ri Lào, bánh bao Chợ Lớn, bánh crêpe France, cà phê Việt Nam, chè ba màu, bánh xèo, mắm thái Bến Tre (mắm thái ngon nổi tiếng của cô Bảy)… và còn rất nhiều món ăn khác nữa mà chúng tôi nhớ không hết.

Đâu là sự thật ?

Người Tây phương thường nói : « Sự thật thoát ra từ miệng trẻ ». (« La vérité sort de la bouche des enfants »). Người Việt chúng ta cũng có cùng một ý tưởng nhưng diễn tả dưới một dạng khác : « Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ. » Điều này chưa hẳn đã hoàn toàn đúng. Chàng Trương đã có suy nghĩ như thế nên mới tin lời trẻ khi nghe nó nói : « Tối bố con mới về ». Lửa ghen đã đốt cháy tim gan chàng trai này nên đã có thái độ khiếm nhã, khinh khi, coi thường phẩm hạnh của Thiếu phụ Nam Xương khiến nàng quá phẫn uất phải trầm mình xuống sông tự vẫn để gột rửa nỗi oan, tạo nên cảnh : « Làn nước chi cho lụy đến nàng ! »

mardi 18 février 2014

Cuộc Thỉnh Kinh Đầy Thú Vị

Thiền hành trên đất Bụt
Cuộc đời đức Bụt là một thiên hùng ca tuyệt đẹp, tạo cảm hứng cho không biết bao nhiêu người trên thế giới trong hơn 2500 năm qua. Được viếng thăm những Phật tích ở Ấn Độ là một điều rất quan trọng cho người thực tập đạo Bụt, “là một phước đức lớn trong cuộc đời”. Từ 24/02/2013 đến 13/03/2013 Học viện đã tổ chức chuyến hành hương về ẤN Độ với chủ đề Theo Dấu Chân Bụt với 44 vị cư sĩ và 11 vị xuất sĩ tham dự. Chuyến hành hương này cũng là một khóa tu theo truyền thống tu học của Làng Mai. Đây là cơ hội ôn lại cuộc đời của Bụt qua những bài pháp thoại về sự tích Bụt đản sanh, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập niết bàn.

Theo lịch trình, đoàn đã đến thăm, đảnh lễ các thánh tích như thành Câu Thi La – nơi Bụt chọn điểm dừng chân lần cuối cùng trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sanh để vào Niết Bàn; nước Vaishali – một trong tám nước được tôn thờ một phần Xá Lợi của Bụt và cũng là nơi kết tập kinh điển lần thứ 2 của Hội Đồng Tăng Già gồm 700 vị A La Hán, sau khi Bụt nhập Niết Bàn khoảng 110 năm; Bồ Đề Đạo Tràng- nơi Đức Thế Tôn thành tựu Vô Thượng Chánh Giác; sông Ni Liên Thuyền (Nijanyana) – nơi Bụt liệng bát giữa dòng sông, sau khi thọ nhận bát sữa của nàng Sujata cúng dường; Sông Hằng – con sông thiêng liêng, huyền bí nổi tiếng trên thế giới, thường được Bụt lấy ví dụ số cát làm số đếm để so sánh hoặc miêu tả về điều gì mỗi khi nói pháp. Ngoài ra, những sinh hoạt khác như thiền tọa thiền hành, pháp đàm, nghe pháp thoại có mặt trong xuyên suốt chuyến đi. Người tham dự có cơ hội chiêm chiêm nghiệm về quá trình phát triển lịch sử và tư tưởng Phật giáo. Chuyến đi này đã để lại trong lòng mỗi người những cảm xúc khác nhau, BBT xin gởi đến quý độc giả bài ghi nhận sau.


mardi 4 février 2014

Một ngày đầu xuân

Tin cực kỳ thú vị

 
Được Sư Cô Chân Không cho hay, Sư Ông rất muốn gặp giới trẻ Việt Nam ở Làng, chúng tôi vội báo tin cho các cháu nhân ngày Chánh niệm 04.12.2011.
Thế rồi sau đó vài ngày, với cái tít thật hấp dẫn: "Về Làng ăn Tết, tin cực kỳ thú vị và quan trọng!" đã đánh động đến tâm hồn các bạn trẻ. Muốn đi xe lửa với giá được giảm tối đa, các bạn trẻ phải đăng ký trước ngày thứ năm 08.12.2011. Ngay tối hôm ấy đã có 20 bạn  ghi tên tham dự. Hai cô cháu  đã liên lạc nhau để quyết định mua vé ngay, nếu không sẽ mất cơ hội.
Và cứ thế, danh sách tăng đến phút chót là 31 người: 25 người trẻ và 6 người lớn tuổi (tuy đã khá trọng tuổi, song mỗi lần được về Làng ăn Tết là lòng tôi lại nôn nao như khi còn trẻ ).

Thư cho các con nhân ngày Vu Lan


Các con thương yêu của mẹ,
Mẹ đang hạnh phúc lắm các con biết không ? Hè năm nay cả nhà mình đều về Làng tu tập. Mẹ vui mừng khôn tả vì đây là ước mơ lớn nhất của mẹ. Giấc mơ ấp ủ bao năm rồi, nay mới được toại nguyện. Bố khoe với mẹ ngày nào bố cũng dậy sớm ngồi thiền. Các thầy và sư cô khen Huy năm nay tu tập tinh tấn hơn mọi năm.
Được bơi lội và ngâm mình trong không gian thật bình an, đầy ắp thương yêu của Sư Ông, của các thầy, sư cô cũng như của tăng thân bao quanh, bố và các con hẳn đã được nuôi dưỡng và trị liệu rất nhiều. Mẹ thật sung sướng chắc sẽ trẻ thêm được vài tuổi.
Hai tuần trước, lúc bố và các con về Làng, trời không đẹp, lạnh và mưa nhiều. Tuần này mẹ về thì trời nắng đẹp lạ lùng. Mỗi sáng, sau khi ngồi thiền xong mẹ thích ra sàn gỗ ngoài hiên, ngồi lặng yên trong không gian tươi mát và tịch tĩnh, lòng thật nhẹ nhàng, thanh thoát.

Thiền đường Hơi Thở Nhẹ Paris chào xuân Tân Mão


Trong cái lạnh như cắt da thịt của mùa Đông năm nay tại Pháp, Tăng thân xuất sĩ và cư sĩ của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ đang náo nức đón Tết Tân Mão với tất cả những phong tục, tập quán của một cái Tết truyền thống xưa nơi quê nhà với cây nêu, câu đối đỏ, những cành đào, cành mai tươi thắm và đặc biệt hơn nữa là có cuộc thi gói bánh chưng vào ngày Chủ nhật 30-01-2011 (ngày 27 âm lịch), và ngày Chợ Phiên, Chủ nhật 06-02-2011(ngày mồng 4 Tết).


Tết Kỷ Sửu ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ

Trong cái rét lạnh căm của mùa đông nước Pháp, thiền đường HƠI THỞ NHẸ ở ngoại ô Paris vừa gần tròn một tuổi và đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên thật rộn ràng hạnh phúc, ấm tình quê hương.
Ngay từ sáng thứ bảy tức ngày 29 âm lịch, chúng tôi đã đến Thiền đường cùng nhau tụng giới, làm trang nghiêm thanh tịnh tâm hồn mình, bước từng bước đi chánh niêm dọc bờ sông Marne. Dòng sông có con nước chảy êm đềm thơ mộng với những hàng cây cao dọc hai bên bờ và từng đàn cò trắng bay la đà trên mặt nước khiến ta có cảm tưởng đây là dòng sông nơi quê nhà. Hạnh phúc thật tuyệt vời và thật sảng khoái khi chợt nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn công Trứ: Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.

Gieo hạt hiểu thương

Lạy Phật,
Con xin chịu trách nhiệm về cuộc đời con và con nguyện sẽ không sợ hãi khổ đau khi biết rằng chính những khổ đau ấy làm cho con trưởng thành, vững chãi. Cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống luôn ý thức được rằng khổ đau của nhân loại là một hiện thực. Chẳng bao giờ con dám quên hiện thực ấy bằng cách lắng chìm trong nỗi khổ đau nhỏ bé của riêng con. […]


samedi 18 janvier 2014

Thư gửi Chị Nhất Chi Mai thay Lời Giới Thiệu



Chị thương kính của em,
     Như vậy là chị đã xa chúng em thấm thoát 47 năm rồi. Ngày ấy em không thế nào quên được, em đã tức tưởi nghẹn ngào ngồi khóc như mưa bên nhục thân của chị. Thời gian tuy đã xa lắm, nhưng bây giờ hồi tưởng lại, em vẫn còn khóc và  không quên được nỗi kinh hoàng đau đớn của em lúc đó : một nỗi nhức nhối tuyệt vọng cùng cực !
     Ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch năm Đinh Mùi, lúc 7 giờ 20 sáng tại chùa Từ Nghiêm, đường Bà Hạt, quận 10  mọi người đang tất bật chuẩn bị cho một ngày lễ lớn, ngày vía đức Phật đản sanh. Trên chánh điện tầng một của chùa, các sư cô đang lau chùi bàn thờ, trang hoàng cờ xí, sắp xếp hương hoa, trà quả để dâng cúng chư Bụt và Bồ tát. Mọi người chú tâm lo phần việc của mình nên không để ý đến những gì sắp xảy ra chung quanh.
     Đến khi thấy ngọn lửa bùng lên thật mãnh liệt ở ngay trước chánh điện và sức nóng lan tỏa khắp nơi, các sư cô mới hốt hoảng tri hô lên. Mọi người đều bất lực nhìn thân chị ngã gục phía trước trong tư thế ngồi chắp hai tay.
Khi ấy em đang ở nhà ôn bài thi tốt nghiệp sư phạm. Mẹ em từ ngoài chợ về cho hay chị Mai đã tự thiêu ở chùa Từ Nghiêm hồi sáng sớm. Nhà em ở gần chùa, nên mỗi lần chị chở hai bác đến chùa lễ Phật, tụng kinh, chị hay ghé qua nhà em để nhắn nhủ những việc cần thiết hoặc rủ em đi tụng kinh, chị Mai nhớ không ?
     Em vội lấy xe đạp chạy như bay đến chùa. Khi bước vào trong giảng đường thì thấy nhục thân chị đã được đặt ở đấy và được che phủ bằng lá cờ Phật giáo. Mùi khét của da thịt và hơi nóng vẫn còn lan tỏa. Em buông mình quì phục xuống bên cạnh chị và khóc tức tưởi vô vọng, chị Tuyết Hoa cũng đang cúi đầu khóc thút thít.
    Thôi rồi! Chị đã thật sự xa chúng em thật rồi! Em thẩn thờ như người mất hồn ngồi ôm đầu khóc như một đứa trẻ. Em không thể nào tin được, chị Mai ơi.
     Cả một khung trời đang sụp đổ ! Quê hương mình thì chiến tranh cùng khắp, bom đạn đang cày xới tan nát cả làng thôn, Thầy mình vẫn mịt mù bôn ba nơi xứ người để kêu gọi hòa bình. Chị giờ đã ra đi  thật rồi ! Mỗi khi có nỗi niềm sâu kín, em biết lấy ai tâm sự bâù bạn, vì chị là người hiểu rõ em nhiều.
     Chị hiền lắm, giọng chị nhỏ nhẹ từ tốn và luôn lắng nghe những khổ đau, u uất của mọi người. Em vẫn như còn nghe văng vẳng bên tai giọng khuyên nhủ của chị : Hổng được làm vậy nghe Hiệp, nghe lời chị khuyên đi !
     Hiệp biết không, em có nhiều điều kiện hạnh phúc lắm mà em không biết đó. Em có một cơ thể khỏe mạnh, lành lặn, đẹp đẽ nè, có điều kiện học hành, có văn hóa tri thức nè. Em không phải đi buôn gánh bán bưng cực khổ để kiếm sống. Ba má có bất hòa, gia đình có xào xáo nhưng rồi cũng qua đi, vì đời là vô thường mà em, vài năm nữa ba má hòa thuận lại cho coi.
     Và chị hướng dẫn em đi vào những xóm nghèo để phát gạo hoặc quần áo cũ. Lần đầu theo chị vào Xóm nghĩa địa ở sau rạp Quốc Thanh, em sửng sốt nói nhẹ bên tai chị : Trời Phật ơi! Sao người ta sống khổ quá vậy chị ? Con đường lầy lội nước bùn loi ngoi, lóp ngóp, nhà ở của những gia đình này là những ngôi mộ, được che bởi những tấm carton dày hoặc những manh chiếu rách. Rồi những đêm mưa to, gió lớn, họ phải sống ra sao ?
     Tất cả vợ chồng con cái đều trú ẩn trong những túp lều rách nát, mong manh như thế !.Em đứng mím môi thật chặt để khỏi bật ra tiếng khóc mà nước mắt cứ thi nhau chảy quanh.
Chị nắm nhẹ tay em dẫn đi sâu vào trong xóm tiếp tục phát quà và thăm hỏi.
     Tối hôm ấy về nhà em buồn không ngủ được. Hình ảnh những mảnh đời cơ cực, bất hạnh nơi xóm  nghèo nghĩa địa Quốc Thanh luôn ám ảnh em trong giấc ngủ.
    Và từ đây con tim phụng sự đã theo em trọn đời không quên lãng.
    Chị lại dẫn chúng em đi giúp dân làng làm trường học ở  Cầu Kinh hoặc Thảo Điền, bên kia cầu Xa lộ. Các anh chị tác viên Thanh Niên phụng sự xã hội dễ thương và nhiệt tình quá. Chú Tâm Thể, anh Dương, anh Lưu, anh Thơ, chị Lành, chị Đồng, cô Mai và nhiều nhiều những anh chị khác đều hiền lành dễ mến nên làm việc tuy vất vả nhưng vui quá. Em bỗng nhớ nụ cười thật hiền của Chị !
     Các anh chị dạy người dân biết cách ăn ở vệ sinh hơn, biết làm hố tiêu để tiêu tiểu đúng chỗ, biết uống nước đun sôi để nguội để tránh bị tiêu chảy.
     Chị Chín dạy các cháu nhỏ đừng bắt chước người lớn hút thuốc, uống rượu.Làng Thảo Điền ở cạnh sông, ban đêm dân làng thường đi giăng câu, bắt cá. Trời lạnh nên người ta hay uống rượu và hút thuốc cho ấm. Con nít độ 9 hoặc 10 tuổi đi theo chú, bác thả câu cũng tập tành uống rượu như người lớn.
     Những ngày cuối tuần đi giúp dân làng của chị em mình đẹp và vui quá phải không chị ?
     Thỉnh thoảng em được chị Chín đọc thư Thầy cho em nghe ké để chia sẻ hạnh phúc
Em thích nhất câu : " các em hãy rửa mắt trên những cánh đồng lúa xanh " thơ mộng và lãng mạn quá !
Hình bóng Thấy vẫn lung linh sáng ngời trong lòng chị em chúng ta !
     Rồi tai họa liên tiếp đổ ập lên trường chúng ta : sáu tác viên của Trường trong lúc đi thực tập đã bị bắt cóc cho đến bây giờ cũng không biết dấu tích.
     Sau đó ít lâu, vào một đêm thứ bảy, bỗng có một toán người lạ mặt xông vào dùng súng đạn bắn giết các anh chị đang nằm nghỉ trong phòng. Hai chị Liên và Vui bị thiệt mạng. Chị Hương bị cưa một bàn chân. Anh Vinh bị lưu đạn trúng đầu, lòi não ra ngoài nên bị liệt cả tay chân phải nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy suốt cả năm.
     Các anh chị tác viên và những vị thân hữu của Trường thay phiên nhau vào nuôi anh Vinh. Mỗi ngày phải hai người túc trực bên giường bệnh để chăm sóc cho anh. Các vị thân hữu thì tình nguyện nấu cơm và ngày hai buổi đem vào phục vụ cho người nuôi bệnh.
     Gia đình em tình nguyện nấu cơm mỗi ngày thư tư và đích thân em đem cơm vào nhà thương cho các anh chị.
     Chị sợ em làm lâu ngày rồi nản lòng bỏ cuộc, nên đã nhắc nhở em trước khi chị tự thiêu một ngày, mà em đâu có biết : " Hiệp ơi, ráng đi thăm anh Vinh và lo cơm nước đàng hoàng nghe em. Đừng bỏ rơi các anh chị lúc này tội nghiệp lắm !
     Chị nhìn em với đôi mắt thành khẩn thương yêu nhắn nhủ trước khi ra đi. Em vẫn vô tình
nên chỉ trả lời nhẹ : Dạ !
    Chị đã chuẩn bị cho việc ra đi nên mấy tháng trước,chị đã nhắn nhủ, khuyên bảo mà em không biết. Có lần hai chị em ngồi chơi ở phía sau chùa lá, nhìn ra cách đồng lúa bát ngát mênh mông, chị đã nói với em:
    "Dù sau này không còn Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội nữa, em nhớ luôn giữ tấm lòng phụng sự trong tim nghe Hiệp"
     Em lật đật cãi lại chị : " Trường mình sẽ tồn tại mãi chị Mai ơi ! Các anh chị tác viên của Trường hiền lành, dễ thương, chỉ đi giúp đồng bào xây nhà, làm trường, giúp nông dân trồng tỉa, chăn nuôi gia súc, giúp đủ thứ hết. Mình đâu có làm chính trị hoặc làm điều gì xấu ác mà chính quyền không cho Trường mình hoạt động hả chị ?
     Chị buồn buồn, hướng mắt nhìn ra xa trả lời : Đời vô thường lắm em ơi ! Không có gì chắc chắn cả. Hiệp phải hứa với chị, lúc nào trái tim thương yêu và phụng sự phải luôn cháy  trong em bền bỉ đó nha.
     Quê mình còn chiến tranh, dân còn khổ nạn nhiều và chị em mình phải làm gì để xoa dịu những đau thương, tang tóc do chinh chiến gây ra. Như vậy cuộc sống mình mới có ý nghĩa !
     Rồi chị quay đi làm mặt giận : "Hổng thôi, chị giận, nghỉ chơi luôn cho coi !"
     Em ôm chị nũng nịu và hứa chắc với chị : " em sẽ mang lý tưởng thương yêu, phụng sự đi suốt cuộc đời", chị Mai chịu chưa ?
    Chị cười rạng rỡ trên đôi mắt hiền từ. Em đâu ngờ đó là những điều chị trối trăn cùng em
trước lúc ra đi !
    Em cũng không thể ngờ một người nhỏ nhắn, nhu mì, dịu dàng, hiền hòa như chị lại có thể can đảm hiên ngang làm công việc của một đại trương phu như thế : chị đã đem thân mình làm đuốc hồng để cảnh tỉnh lương tri loài người !
     Hôm tiễn đưa chị về An Dưỡng Địa làm lễ hỏa thiêu, đồng bào mình đi dài hàng mấy cây số.  Đọc mười bức thư của chị để lại, gửi cho cha mẹ,chính quyền hai miền Nam Bắc và cho quý Tôn đức trong Giáo Hội Phật giáo., mọi người đã thấy hạnh nguyện của một vị Bồ Tát
    Em vẫn khóc sướt mướt đi theo dòng người để tiễn đưa chị. Em không ngờ chị Mai của em cũng văn thơ bay bướm lắm. Đọc thư chị, em thật kính ngưỡng và trân trọng đại nguyện của chị :

         Chắp tay tôi quỳ xuống
            Chắp tay tôi quỳ xuống                        
              Chịu đau đớn thân này                          
              Mong thoát lời thống thiết !                 
              Dừng tay lại người ơi !
              Dừng tay lại người ơi !
              Hơn hai mươi năm rồi
              Nhiều máu xương đã đổ
              Đừng diệt chủng dân tôi !
              Đừng diệt chủng dân tôi !
              Chắp tay tôi quỳ xuống

Bây giờ em không còn khóc nữa. Em sẽ hát chị nghe bài hát Một Cành Mai tức Đạo Ca 5 của Nhạc sĩ Phạm Duy :
         " …. Nước mắt bỗng ngừng trôi, khi người đã nguyên dâng
               Thân mình làm đuốc hồng, cho đồng lúa trổ bông ….
               Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời
               Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai
               Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người
               Đặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui …. "
Và đây chính là ca khúc nhạc sĩ Phạm Duy viết về chị Nhất Chi Mai đó, chị thương kính của em.
    Gần 50 năm trôi qua, đất nước mình cũng đã " thưở trời đất nổi cơn gió bụi " bao phen.  Đã hết chiến tranh nhưng điêu linh, khốn khổ vẫn còn, vì vậy hạnh nguyện của Thầy và của anh chị em mình vẫn phải tiếp tục.
     Thầy mình bây giờ đã gần 90 tuổi nhưng vẫn bôn ba đó đây để dạy cho con người biết cách sống hạnh phúc, bớt hận thù, khổ đau.
     Thầy và chị Chín ( nay là sư cô Chân Không ) và một số thân hữu đã lập ra làng Mai ở miền Nam nước Pháp. Làng càng ngày càng lớn rộng, nay đã có tất cả 4 Xóm lớn là : Xóm Thượng, Xóm Hạ, Xóm Mới và Chùa Sơn Hạ, lại thêm những Xóm nhỏ như Xóm Trung, Xóm Đoài, Xóm Lưng Đồi…v…v.. Pháp môn tu tập của Thầy đã đem đến hạnh phúc cho không biết bao nhiêu người trên thế giới.
     Bây giờ đã có hàng ngàn các thầy và sư cô trẻ ở khắp nơi tu học và thực tập theo pháp môn Chánh Niệm của Thầy mình.
     Dòng tu Tiếp Hiện, khởi đầu với 6 người mà chị Mai là chị Cả, nay đã lên đến hàng chục ngàn anh chị hay nhiều hơn nữa ở khắp các quốc gia.
     Mỗi lần nhớ chị, em ngậm ngùi rưng rưng nước mắt. Song Thầy đã dạy chị Mai không bao giờ mất. Chị vẫn ẩn tàng đâu đó và biểu hiện trong mỗi thành viên Tiếp Hiện chúng em
     Nụ cười, hình ảnh và đại nguyện của chị vẫn luôn ấp ủ trong lòng chúng em, lời hứa năm xưa em vẫn thủy chung giữ tròn cùng chị.
     Em vừa gầy dựng một bloc để trình bày những sinh hoạt tu học mà chúng em đã thưc hành trong cuộc sống. Qua những bài viết của các cô, chú bác, sau này giới trẻ sẽ hiểu được những nguyện ước, những hoài bảo cùng những hy sinh âm thầm mang nhiều đại nguyện của những người đi trước.
     Em sẽ trân trọng dành ưu ái cho chị khai trương trang bloc này, vì chị là người đã trao cho em ngọn lửa cháy bỏng yêu thương, phụng sự của Thầy. Và trang bloc này sẽ được vinh dự mang tên Nhất Chi Mai, người chị thương kính muôn đời của chúng em.
     Chị kính yêu ơi ! Chị hãy vào đọc cùng chúng em nha !
  Đứa em hay nũng nịu và "mít ướt" của chị
          Chân Bảo Nguyện