Lạy Phật,
Con xin chịu trách nhiệm về cuộc đời con và con nguyện sẽ không sợ hãi khổ đau khi biết rằng chính những khổ đau ấy làm cho con trưởng thành, vững chãi. Cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống luôn ý thức được rằng khổ đau của nhân loại là một hiện thực. Chẳng bao giờ con dám quên hiện thực ấy bằng cách lắng chìm trong nỗi khổ đau nhỏ bé của riêng con. […]
Con xin chịu trách nhiệm về cuộc đời con và con nguyện sẽ không sợ hãi khổ đau khi biết rằng chính những khổ đau ấy làm cho con trưởng thành, vững chãi. Cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống luôn ý thức được rằng khổ đau của nhân loại là một hiện thực. Chẳng bao giờ con dám quên hiện thực ấy bằng cách lắng chìm trong nỗi khổ đau nhỏ bé của riêng con. […]
Những lời tâm nguyện của bậc Thầy khả kính tôi đã đọc được trong một tập san của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội năm 1966, khi đất nước đang chìm ngập trong bom đạn, chiến tranh. Đây là hành trang quý báu nhất đã theo tôi trong suốt cuộc đời để mỗi khi khổ đau, nản lòng, tôi lại ngồi yên lắng lòng đọc lại. Và kỳ lạ thay, tuy đã hơn bốn mươi năm, nhưng mỗi lần đọc, tôi như được nuôi dưỡng vững vàng hơn, tôi luyện hơn để vượt qua nghịch cảnh và thêm nhiều tình thương hơn, có thể thương yêu và tha thứ cho những ai vì vô tình hay cố ý đã gây khổ đau cho tôi.
Thông điệp quý báu, vô giá mà bậc Thầy khả kính đã trao lại cho chúng
tôi trong những lời tâm nguyện này là luôn ý thức khổ đau là hiện thực
để từ đó tìm cách làm vơi bớt nỗi khổ, phải biết đem tình thương trang
trải cho mọi người, nhất là những người yếu kém, bất hạnh. Đã lâu rồi
song tôi vẫn còn nhớ tôn chỉ hành động của các anh chị tác viên TNPSXH
gồm ba chữ T : Tình thương, Trách nhiệm và Tự nguyện. Đây là hành trang
của các vị Bồ Tát. Vì quê hương đang đổ nát và tràn ngập hận thù nên cần
nhiều bàn tay của Bồ Tát để hàn gắn và xây dựng. Và Thầy đã gieo hạt
giống từ bi cho thế hệ thanh niên chúng tôi vào thời điểm ấy.
Bất cứ sự dấn thân nào cũng cam go, khó khăn, trở ngại, người không có ý
chí sẽ chùn bước, bỏ cuộc. Chúng tôi may mắn được gần gũi và được nuôi
dưỡng lòng từ bi bởi sự dấn thân bền bỉ, hết lòng cuả rất nhiều Bồ Tát :
điển hình là chị Nhất Chi Mai đã tự thiêu để cầu nguyện Hòa Bình cho đất
nước năm 1967 tại chùa Từ Nghiêm nhân dịp lễ Phật Đản và chị Chín (nay
là Sư Cô Chân Không) đã dâng hiến trọn đời cho trẻ em nghèo đói và cho
quê hương đạo pháp.
Từ những hạt giống từ bi của Thầy trao cho, chúng tôi bước vào đời…
Sau hai năm học ở trường Quốc Gia Sư Phạm, tôi ra trường và đi dạy ở Tân
Uyên. Đây là một quận lỵ nhỏ cách Biên Hoà 30 cây số, có một bên là sông
nước, một bên là đồng lúa mênh mông, xa xa là rừng rậm. Một ngôi chùa
nhỏ nằm giữa quận với hai buổi công phu sớm chiều và tiếng đại hồng
chung thong thả ngân nga đem lại sự bình an cho dân chúng trong vùng.
Chỉ an ổn tạm thời thôi bởi đây là vùng giáp ranh với chiến khu D, nơi
nổi tiếng xảy ra những trận đánh ác liệt và mạng sống con người như chỉ
mành treo chuông, sống chết thật tình cờ! Với lý tưởng cao đẹp cuả tuổi
trẻ, tôi đem tất cả tình thương và tâm huyết dành cho đám học trò bé
nhỏ, chân chất, dễ thương của tôi. Ngôi trường tôi dạy nằm sát đồn trú
đóng của binh lính canh giữ quận, nên thường xuyên bị pháo kích.
Vừa đến dạy khoảng hai tháng, một buổi chiều trong khi đang đứng lớp,
đạn pháo kích bay ngang đầu chúng tôi và rớt xuống quận. Thầy trò đều
chui xuống gầm bàn nằm. Những đứa gần cô giáo có vẻ an tâm không la
khóc, những đứa ở xa thì kêu vang: "Cô ơi, cô ơi". Thương và tội nhất có
những em cố trườn tới gần và nắm được một phần chéo áo dài của cô giáo
là chúng ngưng la khóc ngay. Chúng có vẻ an tâm khi được gần cô giáo.
Tôi rươm rướm nước mắt nhìn các em và bảo: "Các em đừng la khóc nữa, hãy
niệm Phật theo cô. Em nào đạo Chúa thì cầu Chúa".
Vì sống chết chỉ xảy ra trong gang tấc nên tôi thương đám học trò của
tôi vô cùng. Ngoài giờ dạy chính quy ở trường buổi sáng, tôi kèm cho các
em yếu văn hoặc kém toán buổi chiều. Tình thầy trò càng ngày càng thắm
thiết, tôi như người chị cả chăm sóc cho đàn em nhỏ. Sống ở vùng chiến
tranh, bom đạn, các em tôi bị thiệt thòi rất nhiều, nên nếu có dịp, tôi
thường đứng ra tổ chức, để các em hưởng thêm được ít nhiều niềm vui.
Gần Tết Trung Thu, tôi về Sài Gòn mua bánh kẹo, lồng đèn và đèn cầy
(loại rẻ tiền nhất để được nhiều). Cả tháng trước thầy trò đã chuẩn bị
cho đêm Trung Thu nên đã tập hát, tập làm lồng đèn, các em đã thuộc nằm
lòng các bài hát về Trung Thu. Khoảng năm giờ chiều, tất cả các trẻ em
trong quận đều tập trung trước sân nhà tôi ở trọ, không khí nhộn nhịp
tưng bừng hẳn lên. Những phụ huynh của lớp khác nghe nói có cô giáo tổ
chức Tết Trung Thu cũng cố gắng đi tỉnh mua lồng đèn cho con mình tới
tham dự. Họ bảo : "Từ xưa đến giờ ở đây chưa từng có Tết Trung Thu nên
đêm nay vui quá, các cháu thật sung sướng!".
Rồi đám rước đèn vừa đi vừa hát. Màn đêm bắt đầu buông xuống, ánh trăng
rằm đang chiếu sáng khắp đồng quê. Các em tôi đang thấp thoáng dưới đồng
ruộng, ánh nến lập loè từng đoàn dài. Xa xa tiếng bom đạn vẫn rền vang
trong đêm tối và tiếng hát "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi…" của các em
vẫn vang lên trong đêm như một thách thức. Nhìn các em vui đùa vô tư
dưới ánh trăng, lòng tôi ngập tràn xúc động! Tiếng bom đạn đã dồn dập
hơn, các em lần lượt tản mác về nhà trong niềm luyến tiếc.
Cho đến bây giờ, hình ảnh các em cầm lồng đèn thấp thoáng dưới đồng
ruộng hòa với tiếng hát ca như còn văng vẳng đâu đây! Ngày lễ Vu Lan,
tôi tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo tại chùa, dạy các em hiếu thảo với mẹ
cha và hạnh phúc hơn khi được cài bông hồng vì được diễm phúc còn Mẹ. Để
chuẩn bị cho các em thi vào lớp sáu, tôi lập chương trình "đố vui để
học", khuyến khích các em thi đua học tập…
Sau hai năm dạy ở đây, tôi được thuyên chuyển về tỉnh. Ngày rời khỏi
quận, học trò tôi ra tiễn ở bến xe. Các em khóc nức nở và tôi thì nghẹn
ngào không nói được. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt và ba mẹ tôi
thật phập phồng âu lo khi thấy con mình đang ở vùng dầu sôi lửa bỏng.
Rồi thì cuộc đời qua nhanh với những thăng trầm nổi trôi của vận nước.
Như bao lớp người khác, gia đình chúng tôi phải bỏ quê hương mà đi. Định
cư tại Pháp từ hơn 20 năm nay, chúng tôi được may mắn gần gũi bậc Thầy
khả kính ngày xưa, được học hỏi và tu tập các pháp môn do Người chỉ dạy.
Những lần về thăm quê hương, tôi nhớ đến bạn bè cùng dạy học ở Tân Uyên,
nhớ đám học trò bé bỏng thân thương, song tất cả đều trôi dạt, không còn
ở chốn cũ. Tôi chỉ đành ngậm ngùi ngâm câu: Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ? để nuối tiếc, để nâng niu những kỷ niệm xa xưa mà
thôi!
Một dong ruổi bất ngờ không thể tin được, trong dịp về Việt Nam dự lễ
Đại Trai Đàn Chẩn Tế, tôi gặp lại một chị bạn cùng dạy học ngày xưa ở
Tân Uyên, nhờ vậy tôi liên lạc được với hai em học trò cũ. Thầy trò gặp
nhau như trong cơn mơ, mừng rơi nước mắt.
Ngày 20/11 năm nay, tôi nhận được lá thư của học trò, vừa đọc, tôi vừa
khóc vì cảm động.
Cô thương yêu của em!
Ngày mai là ngày kỷ niệm hiến chương các nhà giáo 20/11, em gửi vài hàng
thăm cô, một chút gì đó bùi ngùi mỗi khi em nhớ về cô. Vì sao cô biết
không? Vì Cô là “thần tượng “của một con bé học lớp năm cách nay 40 năm
đó cô ạ.
Hồi đó còn nhỏ quá, em chưa biết ước mơ, hoài bảo, lý tưởng của mình là
gì nhưng chính nhân cách sống của Cô, từ sự dịu dàng chịu thương chịu
khó, bao dung của cô, từ sự thương yêu hết lòng của cô đối với đám học
trò bé nhỏ tại vùng đất nghèo nàn mang nhiều thương tích và sự chết chóc
do bom đạn của chiến tranh, đã làm em biết thế nào là tình thương thật
sự giữa Thầy và trò.
Em cảm nhận được vui buồn của mình cùng với vui buồn của Cô ; em vui khi
thấy cô vui, em buồn khi thấy cô buồn ; em cố gắng học giỏi hơn và không
biết từ khi nào em mong muốn sau này mình cũng sẽ làm Cô giáo, cũng
nhiệt tình tâm huyết, cũng dịu dàng thương yêu đám học trò nhóc nheo, và
đặc biệt cũng sẽ điệu đàng một chút như Cô. Và Cô biết không, khi lên
học cấp II, em nghĩ đó là hoài bảo là ước mơ của mình sẽ và phải thực
hiện cho bằng được nên em vẫn ráng học giỏi để làm cô giáo giỏi, nhưng
không ngờ...
Chắc tại em không có duyên với nghề giáo phải không cô? Thôi thì an ủi
mình vậy, dù bất cứ nghề gì em cũng tự hào với Cô rằng em luôn sống tốt,
sống có ích cho đời cô ạ! Một góc nhỏ tâm hồn với nhiều hoài niệm của
tuổi thơ, một chút ký ức xa xôi đôi khi làm cuộc sống mình thêm phong
phú, ý nghĩa hơn phải không cô.
Cô thương ơi là thương!
Sau 38 năm được gặp lại cô, em như người mộng du, không thể nào nói hết
bằng lời tâm trạng em lúc đó và ngay đến bây giờ. Âu cũng là cái duyên,
chỉ tiếc rằng xa xôi quá, đôi lúc muốn nghe giọng nói tiếng cười và hơi
ấm của cô, đặc biệt muốn nghe lời chỉ bảo ân cần của cô trong cuộc sống
nhưng hơi khó.
Hôm qua, em có gọi điện thoại cho cô nhưng không gặp, em buồn 5 phút rồi
điện thoại thăm cô Hải. Cô ơi, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc có ra tiếp mấy quyển
sách nữa, hay lắm em đã mua để dành cho cô, khi nào nhiều nhiều em sẽ
gửi cho cô một lần cho tiện nha cô.
Nhớ đến cô nhân ngày 20/11 mà chưa chúc Cô gì hết cô há. Cho em chúc cô
một ngày vui vẽ thật trọn vẹn bên tình thương gia đình, bạn bè và những
đứa học trò ngày xưa đó. Em chúc Cô, Thầy luôn khỏe mạnh để hàng năm về
VN thăm tụi em. Em gửi lời thăm Thầy và các em.
Học trò của Cô
Lá thư này đã làm tôi vui suốt cả tuần. Tôi thật không ngờ! Vâng, không
thể ngờ được, những thương yêu chăm sóc, những hoài bảo cao đẹp của tuổi
trẻ, tôi dành cho các em cách đây 40 năm, các em đã cảm nhận được và cố
gắng vươn lên trong cuộc sống, nguyện sống lành, đẹp, và có ích cho đời,
một điều rất hiếm trong tình trạng xã hội hiện nay.
Thư tôi viết về, các em truyền nhau đọc và khóc thật nhiều. Tôi biết đây
là những giọt nước mắt hạnh phúc. Các em gọi điện sang cho tôi và bảo
không ngờ đã 40 năm mà cô vẫn còn nhớ thật chi tiết từng đứa học trò
một. Quá nửa đời người mà tình thầy trò vẫn thiêng liêng, trong sáng,
làm sao tôi không hạnh phúc được!
Và vị Thầy khả kính của tôi, tôi đã theo Người từ hơn 40 năm nay. Hạt
giống Thầy trao cho tôi, tôi đã gieo và kết quả cũng khá tốt. Bây giờ
đến thế hệ các con tôi, chúng vẫn đang được Thầy trực tiếp truyền trao
ân cần và kỹ lưỡng hơn vì chúng có nhiều phước báu hơn tôi. Ngày xưa tôi
chỉ được trao truyền qua sách vở của Thầy mà thôi. Thầy tôi khi ấy đang
bôn ba nơi xứ người để kêu gọi hoà bình cho quê hương đất nước và đã bị
lưu đày nơi xứ lạ quê người rồi.
Thỉnh thoảng tôi có về Làng thăm Thầy để được hạnh phúc nhiều hơn khi
được ngồi cạnh Thầy, ngắm nhìn Thầy còn khỏe mạnh. Mặc dù đã ngoài 80,
Thầy tôi vẫn vân du đây đó để gieo mầm từ bi đi khắp nơi. Tết năm ngoái,
vừa bước vào thiền đường Xóm Mới, tôi xúc động, suýt bậc khóc khi nhìn
thấy hai câu đối Thầy viết: Gieo hạt từ bi Giữ gìn đất mẹ.
Thầy tôi vẫn ngồi đó, bình dị như ngày nào, nhưng tình thương luôn bao
la ngút ngàn!
Tháng 12 năm 2008,
Chân Bảo Nguyện
Chân Bảo Nguyện
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire