Trong
cái lạnh như cắt da thịt của mùa Đông năm nay tại Pháp, Tăng thân xuất
sĩ và cư sĩ của Thiền đường Hơi Thở Nhẹ đang náo nức đón Tết Tân Mão
với tất cả những phong tục, tập quán của một cái Tết truyền thống xưa
nơi quê nhà với cây nêu, câu đối đỏ, những cành đào, cành mai tươi
thắm và đặc biệt hơn nữa là có cuộc thi gói bánh chưng vào ngày Chủ
nhật 30-01-2011 (ngày 27 âm lịch), và ngày Chợ Phiên, Chủ nhật
06-02-2011(ngày mồng 4 Tết).
Ngay hôm thứ năm 27-01-2011 (24 âm lịch, 1 ngày sau khi đưa ông Táo về Trời), khi vào Thiền đường để nghe Sư Ông giảng trực tuyến, chúng tôi thoáng nghe từ xa có tiếng nhạc « leng keng, leng keng » phát ra từ chiếc phong linh, nương tiếng nhạc nhìn lên cao đã thấy có cây nêu với lá phướng đủ màu tung bay trong gió.
Hôm ấy Sư Ông giảng về sự tích cây nêu qua
tuệ giác của Người làm chúng tôi thật sự thích thú và tâm đắc với cách
giải thích, trình bày mới lạ này của Thầy. Lòng hân hoan, nhẹ nhàng,
chúng tôi đi thiền hành dọc bờ sông Marnes mà cứ ngỡ mình đang đi trên
cõi Tịnh Độ. Sư cô Đào Nghiêm là một sư cô trẻ người Pháp dẫn đầu Tăng
thân, nhẹ nhàng từng bước chân chánh niệm. Khi đến gần cây nêu, sư cô
dừng lại và trình bày về sự tích cây nêu cho đại chúng nghe :
Ngày xưa tại một vương quốc nọ vì thất
niệm nên dân chúng phải sống trong bóng tối dầy đặc, khổ đau triền
miên! Một ngày nọ Bụt đi tới và ánh sáng tỏa ra mát mẻ cả một vùng
trời. Những nơi nào có bước chân Bụt đi qua đều được hạnh phúc vì Ngài
dạy mọi người biết sống Chánh Niệm. Khi ấy ma quỉ ngự trị khắp nơi nên
dân tình đìêu linh khốn khổ, con người mới cầu cứu Bụt nhờ Ngài cứu
giúp. Bụt thương chúng sanh nên mới đề nghị với ma quỉ nhường cho Ngài
một ít đất để ở và xin cho Ngài quăng tấm áo cà sa lên trời, bóng
chiếc áo phủ đến đâu thì xin nhường Ngài bao nhiêu đất đến đó. Ma quỉ
đồng ý ngay vì nghĩ rằng mảnh đất mà chỉ to bằng chiếc áo cà sa thì
nhằm nhò gì. Không ngờ Bụt có phép thần thông nên khi tung áo cà sa
lên trời Ngài làm cho bay thật cao và lan toả khắp nơi, chỉ còn một
khoảnh đất nhỏ cho ma quỉ ở mà thôi. Con ngưới từ đấy sống trong ánh
sáng hạnh phúc vì nhờ có Chánh Niệm. Sau đó người ta lại quên dần đi, lại
sống trong thất niệm nên chiến tranh, khổ đau lại quay về. Rồi mỗi năm
cứ đến ngày 23 tháng chạp người ta dựng cây nêu để nhớ chuyện xưa,
tích cũ và cũng để nhắc nhỡ mình nên sống chánh niệm cho bóng tối phải
lui dần.
Chúng tôi đứng nghe sư cô kể sự tích cây
nêu mà ngẩn ngơ thán phục. Hoá ra đệ tử Sư Ông dù là người nước ngoài
cũng thâm hiểu phong tục tập quán của Việt Nam mình.
Sáng thứ bảy 29-01-2011 (26 âm lịch), khi
vào Thiền đường, chúng tôi đã thấy bày ra sẵn ở tầng thứ nhất: nào lá
dong, lá chuối đã được lau chùi sạch sẽ, dây nhợ để cột bánh khi gói
xong, các thau đựng nếp đã được ngâm, đậu xanh đã nấu chín và được cán
nhuyễn, các khung để gói bánh chưng v.v..; Tôi thật bất ngờ và tự hỏi
thầm : « Các sư cô trẻ, cỡ tuổi con chúng tôi mà lại chu đáo, tháo vát
đến thế ư ? Trong lòng bỗng gợn lên một chút hãnh diện Con nhà tông không giông lông thì cũng giống cánh
chứ. Ngồi lặng yên giây lát ngắm nhìn thật thương yêu từng gưong mặt
các sư cô nhỏ để hạnh phúc thấm nhẹ vào lòng. Tôi đã được nuôi dưỡng
quá nhiều, bạn thấy không ?
Ngoài các anh chị trong Tăng thân còn có
các cháu sinh viên Việt Nam du học và các thanh thiếu nữ người Pháp
đến tham dự. Có một bác đã 85 tuổi cũng đến tham gia học gói bánh
chưng, bánh tét. Và các bạn có tin nỗi không? Các sư cô nhỏ lại chỉ
cho các cô, bác hay bà của mình học gói bánh! Đúng là hậu sinh khả
uý đấy các bạn! Chu choa ơi! các sư cô nhỏ năng động và khéo tay vô
cùng. Hai sư cô Phùng Nghiêm và Uyên Nghiêm phụ trách gói bánh tét,
hai cô Tuyết Nghiêm và Nội Nghiêm phụ trách gói bánh chưng. Và xa hơn
một chút, ở đàng kia, sư cô Mai Nghiêm, một sư cô trẻ người Pháp cũng
đang hướng dẫn các bạn trẻ Tây phương cách gói bánh để chiều nay sẽ
thi đua xem tổ nào gói đẹp.
Năm ngoái, cũng vào những ngày cận Tết, khi
vào Thiền đường chúng tôi thật xúc động khi nhìn thấy hai sư cô Pháp
trẻ đẹp song cũng chịu thương, chịu khó, lam lũ, vất vả chùi cái nồi thật
to để nấu bánh chưng. Các sư cô cũng gói bánh đến 2 gìờ sáng, cũng
chiếc áo nâu đạm bạc, sờn vai rách gấu như nhưng sư cô nghèo ở miền
quê Việt Nam vậy. Học trò của Sư Ông dễ thương quá đi thôi !
Hôm nay là thứ Bảy nên người trẻ đến thật
đông. Trên gương mặt và ánh mắt hiển lộ lòng nao nức, thích thú. Tôi
được sư cô Phùng Nghiêm nhờ hướng dẫn cho hai bạn trẻ. Tôi chỉ cách
xếp lá sao cho đẹp vào 4 góc của khuông, sau đó đổ một chén gạo nếp
vào, nén thật chặt ở 4 góc, cho đậu xanh vào giữa, cuối cùng là một
chén gạo nếp phủ lên trên. Tất cả đều được nén thật chặt và gói lại
cho đẹp. Từ từ gỡ khuôn ra rồi cột dây cho đẹp và chặt.
Người trẻ rất thông minh và khéo tay. Với
sự nhiệt tình, ham thích học hỏi những điều mới lạ, chẳng phút chốc
hai thiếu nữ Pháp đã gói được những cái bánh chưng thật đẹp. Họ nhìn
tôi với ánh mắt cám ơn và hãnh diện. Tôi cũng thật hài lòng khi đã
giới thiệu nét văn hoá truyền thống thật đáng yêu của dân tộc mình cho
các bạn trẻ Pháp.
Một điều đã làm mọi người vô cùng ngạc
nhiên là có một cái bánh tét gói thật khéo, không thua gì một người
gói bánh chuyên nghiệp, lại do bàn tay của một thiếu nữ Pháp tên là
Chloé. Có tất cả 3 đội đã tham dự cuộc thi gói bánh. Cả 3 đội đều gói
đẹp ngang ngửa nhau, nên cùng được giải như nhau.
Sau khi đã hoàn tất việc gói bánh, công
việc nấu bánh bắt đầu. Các sư cô thay phiên nhau canh chừng và thức
suốt đêm cho đến sáng.
Song song với việc nấu bánh có chương trình
văn nghệ thật hào hứng, sôi nổi và phong phú với sự tham dự của cả hai
Tăng thân xuất sĩ và cư sĩ Pháp Việt và Lào. Các sư cô vừa tham dự văn
nghệ vừa canh chừng nồi bánh đang nấu ở ngoài. Đến nửa khuya, chương
trình văn nghệ chấm dứt, một số các anh chị ra về, số còn lại ngủ tại
Thiền đường.
Sáng chủ nhật chúng tôi lại vào Thiền đường
để tổ chức ngày Quán Niệm cuối của năm và cùng các sư cô chuẩn bị thức
ăn để buổi chiều cúng Đại Thí Thực.
Đúng 9 giờ 30 đại chúng được nghe trực tuyến
pháp thoại của Sư Ông. Tăng thân nười Việt ngồi ở văn phòng bán sách
bên dưới, tuy nhỏ mọi người ngồi sát cạnh nhau nhưng rất ấm cúng và
hạnh phúc.
Tăng thân Pháp ngồi ở trên Chánh điện cũng
nghe pháp thoại Sư Ông nhưng không được nghe trực tuyến mà lại được
nghe bài giảng hôm thư năm vừa qua.
Buổi chiều cả hai Tăng thân Pháp Việt đều
ngồi chung lại để nghe các cô chú lớn tuổi kể những kỷ niệm của ngày
Tết năm xưa nơi quê nhà. Đại chúng đã đóng góp nhiều ý kiến hay, có ý
nghĩa về phong tục, tập quán của dân tộc mình vào ngày Tết:
- Đêm giao thừa, trước cửa mọi nhà đều có
đặt một mâm cúng Trời Đất gồm bánh chưng, gạo, nước cùng 5 lọai trái
cây gọi là ngũ quả : mảng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, với ước vọng
sang năm mới gia đình mình sẽ được đầy đủ, sung túc.
- Trong lời cầu nguyện đầu năm, chúng ta
không cầu riêng cho gia đình mình mà hướng lòng khấn nguyện cho
mọi người : cầu cho quốc thái dân an, khắp nơi mưa thuận, gió hòa, lúa
chiêm tươi tốt, mọi người đựơc no cơm, ấm áo; đất nước thanh bình,
thôi chiến tranh giặc giã.
- Ngay từ 23 tháng chạp, tức là ngày tiễn
ông Táo về trời, người ta đi tảo mộ ông bà, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược
sạch sẽ nhưng đồng thời cũng làm mới thân tâm. Nhà cửa, cây cối đều
được sơn phết cho mới, đẹp, sáng sủa; lư đồng được lau chùi sáng
loáng.
- Sáng 30 Tết, mọi người lo chuẩn bị cơm
nước để cúng rước ông bà, tổ tiên. Trên bàn thờ lúc nào cũng khói
hương nghi ngút. Trong nhà có vẻ như ấm cúng hơn vì con cháu tập hợp
về đông đủ và cảm thấy như có sự hiện diện của ông bà.
- Các anh kể sự tích bánh dày, bánh chưng
cho mọi người cùng nghe.
Sư cô trụ trì Giác Nghiêm người Pháp ngồi
chủ trì buổi chia sẻ rất hạnh phúc khi được hiểu thêm nhiều nét đẹp
của văn hóa Việt Nam. Nụ cười luôn nở trên môi, Sư cô thật hiền và từ
bi như một bà mẹ luôn lắng nghe đàn con của mình để hiểu và thương
hơn.
Khi trời chạng vạng tối, mọi người cùng
chuẩn bị cúng Đại Thí Thực cuối năm. Các sư cô đã lo liệu thật chu
đáo, mâm cỗ thịnh soạn với đầy đủ các món ăn ngon lành và đẹp mắt: chả
giò, bánh cuốn, giò lụa, canh chua, rau xào, bánh chưng, bánh tét vừa
nấu xong sáng nay, dưa món, khoai lang, khoai mì, đậu phộng v.v.. thôi
thì không thiếu món gì để dâng cúng tất cả những người khuất mặt được
no đủ.
Sư cô trụ trì thắp hương đứng giữa chú tâm
khấn nguyện, tăng thân xuất sĩ đứng hai bên, tăng thân cư sĩ đứng sau.
Tất cả đều thành tâm chắp tay, trang nghiêm đọc kinh để hồi hướng năng
lượng an lạc, hạnh phúc cho các cô hồn không nơi nương tựa.
Buổi tụng kinh thật cảm động và ấm cúng,
tình thương như lan toả khắp nơi.
Sau đó cả Tăng thân cùng quây quần ngồi lại
ăn cơm Tất niên trong tình huynh đệ. Không khí thật nhẹ nhàng, thanh
thản và đầy ắp thương yêu. Ánh mắt, nụ cười ai ai cũng rạng rỡ, chan
chứa yêu thương, ngọt ngào.
Sáng mồng
một Tết, Thiền Đường như được khoác lên mình chiếc áo mới. Những tà áo
dài đẹp thướt tha của các cô, các bác đang được các thiền sinh Pháp
trầm trồ ngợi khen đã làm thay đổi bộ mặt của ngôi nhà Thiền thân
thương mà hàng tuần chúng tôi đều đến tu học.
Đúng 10 giờ, mọi người tập trung lên Chánh
Điện để làm lễ đầu năm. Đại diện Tăng thân xuất sĩ và cư sĩ
Việt, Pháp lên đãnh lễ chư Bụt , mừng tuổi Sư Ông, chúc mừng năm mới
Sư Cô trụ trì cùng dâng quà tặng chúc Xuân chúng xuất sĩ.
Cả hội chúng rung cảm khi nghe hai sư cô,
Phùng Nghiêm đại diện Phật tử người Việt và Mai Nghiêm đại diện Phật
tử người Pháp đọc lời Mừng tuổi Sư Ông :
« Cher Thay, En cette nouvelle année du
chat, nous voudrions saisir l'occasion pour vous témoigner notre amour
et notre gratitude.
Nous sommes très conscients qu'avoir un
maître tel que vous, doté d'une compréhension et d'un amour si
profonds et de la capacité des les transmettre à vos disciples est une
chose très rare, source de bonheur illimité ... ».
(Thầy kính yêu, Trước thềm năm Tân Mão,
chúng con muốn nhân dịp này bày tỏ tấm lòng kính yêu và sự biết ơn của
chúng con đối với Thầy. Chúng con luôn ý thức rằng được theo học một
bậc Thầy có sự hiểu biết sâu sắc và tình thương bao la, lại có khả
năng trao truyền những điều trên cho học trò của mình là việc rất hiếm
hoi và cũng là nguồn hạnh phúc vô tận...)
Hay :
« Kính thưa Thầy, ...Thầy đã vì sự
trường tôn của mạng mạch đạo pháp, vì hạnh phúc của nhân loại, vì sự
nghiệp cao cả của chúng con, mà hiện thân nơi cõi đời này, trải qua
bao nhiêu nổi khó khăn, gian lao thử thách với năm tháng, mà hoằng
pháp lợi sanh. Thầy đã tận tâm tận lực truyền trao cả đời Thầy cho
chúng con, hầu mong sao ngọn đèn chánh pháp được lưu truyền mãi mãi
trên thế gian. Chúng con là những người may mắn nhất trên đời, đang
được che mát bởi bóng cây yêu thương của Thầy, được tắm mình trong ánh
sáng trí tuệ và được thơm lây bởi mùi hương đạo hạnh của Thầy. Thầy đã
thay thế đức Thế Tôn dạy dỗ chúng con biết thở, biết cười, biết hiểu,
biết thương, biết bao dung và biết tha thứ. Thầy không chỉ dựng dậy
niềm tin yêu và khơi nguồn hạnh phúc cho chúng con, mà còn tặng cho
mọi người, cho cuộc đời một hướng đi sáng đẹp và lành như tự thân đời
sống của Thầy. » (Xem
trọn bài)
Ngày
đầu năm nên tất cả đều như mới hẳn ra, êm đềm, thanh thản, hạnh phúc
tràn đầy, nụ cười luôn nở trên môi, thật đúng là ngày xuân nơi cửa
Thiền, ấm áp, mặc dù ngoài trời khá lạnh.
Nét độc đáo, thi vị đặc biệt truyền thống,
độc nhất vô nhị chỉ có ở Làng Mai và những trung tâm thiền tập trực
thuộc Làng là nghệ thuật « bói Kiều » trong ba ngày Tết.
Chỉ có những ai đã tham dự vào cuộc chơi
này mới thấy rõ những cái hay, đẹp, tao nhã, bác học mà linh nghiệm
của nó. Mỗi một quẻ Kiều được giải lên là một bài thuyết pháp kỳ diệu
giúp người được quẻ lẫn người nghe nhận chân được hạnh phúc đang có
mặt khắp nơi trong ta và chung quanh ta. Khác với những sự bói toán có
tính cách mê tín dị đoan, làm cho người xem bói phải lo sợ, bất an, để
rồi phải đi cúng bái tứ phương, cầu khẩn thần thánh, hoặc lo cúng sao
giải hạn,... Người chơi « bói Kiều » ở đây thật sự an tâm, hạnh phúc.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Cụ Nguyễn Du cũng cho chúng ta lời
khuyên : Tu là cội phúc, và chấp nhận nghiệp quả để thăng hoa (nếu là
quả tốt) và chuyển hóa (nếu là quả xấu) kinh qua con đường Tỉnh thức
với ba bài tập : Hơi thở ý thức, bước chân chánh niệm, và nụ cười bình
an.
Ngày
Chủ nhật mồng bốn Tết có « Chợ Phiên » do các sư cô trẻ đề xướng và tổ
chức sắp xếp. Nói không phải để tự hào, các sư cô trẻ nhiều tài và
khéo léo, chu đáo quá đi thôi! Vừa bước chân vào cổng, chúng tôi đã
thấy bầy sẵn những hàng quán với những bảng hiệu thật đẹp và hấp dẫn
như « chả giò Sa Đéc », « bánh cuốn Thanh Trì », « pò pía Triều Châu »
« bánh khoai mì Mỹ Tho », « chè Thái Lan », « Cà ri Lào », « crêpe
Bretone ». Hôm ấy trời đẹp và bớt lạnh nên phiên chợ đã thành công
vượt bực. Sư cô trụ trì với áo dài khăn đóng chống gậy tươi cười ra
cổng chào đón khách.
Muốn mua thức ăn, khách du xuân phải đổi
tiền lấy vé. Mỗi vé trị giá 1 euro. Mặc dù đồ ăn thức uống thật nhiều,
nhưng đến trưa thì tất cả đều được bán hết sạch.
Bên cạnh các hàng quán ăn uống còn có ông
Đồ trẻ ngồi cho chữ. Ai muốn viết câu gì, ông Đồ cũng chiều, ngồi cặm cụi mài mực Tàu để phục vụ
khách qua đường một cách vui vẻ, hết lòng. Thật đúng như câu tài
không đợi tuổi, tuy ông Đồ còn trẻ nhưng chữ viết cũng đẹp như
phượng múa rồng bay không khác chi ông Đồ xưa vậy!!
Phiên
chợ quê sẽ không tròn vẹn nếu thiếu vắng người nghệ sĩ tài tử ôm đàn
hát nghêu ngao góp vui với khách du xuân. Qua tiếng đàn điệu hát dân
ca, chàng nghệ sĩ tài tử vô danh đã chinh phục được mấy anh mấy chị
bán hàng nhập bọn làm ca sĩ không công mỗi khi ế khách làm phiên chợ
thêm vui tươi, hưng phấn.
Buổi chiều, các sư cô và Tăng thân cư sĩ
tiếp tục bói Kiều, chia sẻ cho nhau bao nhiêu kinh nghiệm tu tập thật
quí báu, thật lợi ích cho cuộc sống.
Chúng tôi ra về lòng an nhiên, tự tại. Cám
ơn sư cô trụ trì, và các sư cô trẻ, cám ơn Tăng thân yêu mến của tôi!
Tôi tự hỏi, phước báu nào đã cho chúng tôi cái hạnh phúc lớn lao như
thế! Được nuôi dưỡng và ngâm mình trong tình thương yêu của Tăng thân,
chúng tôi đã thật sự lớn lên và trưởng thành trong đời sống tâm linh.
Nghĩ đến Thầy với bao hạnh nguyện lớn cùng
những dấn thân vô cùng tận trong khi tuổi đã cao, lòng dâng đầy thương
yêu kính ngưỡng, tôi thì thầm: Thầy ơi , Thầy có biết là chúng con
đang hạnh phúc lắm không !
Chân Bảo Nguyện.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire