mardi 4 février 2014

Tết Kỷ Sửu ở thiền đường Hơi Thở Nhẹ

Trong cái rét lạnh căm của mùa đông nước Pháp, thiền đường HƠI THỞ NHẸ ở ngoại ô Paris vừa gần tròn một tuổi và đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên thật rộn ràng hạnh phúc, ấm tình quê hương.
Ngay từ sáng thứ bảy tức ngày 29 âm lịch, chúng tôi đã đến Thiền đường cùng nhau tụng giới, làm trang nghiêm thanh tịnh tâm hồn mình, bước từng bước đi chánh niêm dọc bờ sông Marne. Dòng sông có con nước chảy êm đềm thơ mộng với những hàng cây cao dọc hai bên bờ và từng đàn cò trắng bay la đà trên mặt nước khiến ta có cảm tưởng đây là dòng sông nơi quê nhà. Hạnh phúc thật tuyệt vời và thật sảng khoái khi chợt nhớ đến câu thơ của cụ Nguyễn công Trứ: Kho trời chung mà vô tận của mình riêng.

 


Sáng Chủ nhật là ngày chánh niệm của tăng thân người Việt song cũng là ngày 30 Tết nên tất cả mọi người, kể cả các anh chị Tây phương cũng đến đông đủ. Không khí đón Tết tưng bừng, nhộn nhịp hẳn lên. Cái nao nức, bâng khuâng chào đón Xuân của ngày xa xưa chợt hiện về dâng đầy trong lòng. Nó nao nao, xao xuyến làm sao ấy. Trên chánh điện, thầy Pháp Độ cùng một số các bạn đang chuẩn bị trang trí bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên. Hai chậu hoa mai thật to đang được chăm chút cẩn thận và đặt ở hai bên bàn thờ. Mâm ngũ quả, bánh trái, các món ăn truyền thống cũng được bày biện thật đẹp mắt. Ở tầng dưới, trong nhà bếp, các sư cô cùng một số các bạn đang nấu nướng, bày biện. Bên ngoài, nhóm văn nghệ với đàn tranh, đàn guitare đang tập dượt ngâm thơ ca hát, nhóm ẩm thực thì dọn bàn, lau chén bát. Ngoài sân, nồi bánh chưng lớn vẫn đang sôi sục, bếp củi đỏ rực cho ta cảm giác ấm áp mặc dù ngoài trời đang rất lạnh.       
Một hồi chuông thong thả ngân lên báo hiệu giờ thiền hành. Trừ một số người có trách nhiệm, công việc riêng, tất cả đều tập trung ngoài sân nghe thầy Pháp Tập hướng dẫn đi thiền hành. Những bước chân nhẹ nhàng, thanh thản, có ý thức, đang được mọi người cùng nhau thực tập. Mỗi lần đi thiền hành, tôi lại nhớ lời Sư Ông nhắc nhở: Ta phải đi thong dong, thảnh thơi như thế nào để mỗi bước chân ta bước, một đóa sen sẽ nở ra, một dấu ấn của bước chân an lạc được để lại trên mặt đất và làm cho trái đất thêm bình an, thêm vững vàng hơn. Tôi thật trân trọng và biết ơn Thầy về lời dạy quí báu nầy. Mỗi lần đi những bước vụt chạc, vô ý thức, tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình và bắt đầu trở lại bằng bước chân tỉnh thức.
Sau khi đi thiền hành, tất cả chuẩn bị cho một bữa cơm thân mật gia đình. Theo truyền thống của Làng Mai, chúng tôi ăn cơm trong im lặng và ý thức sự có mặt của tất cả những người thân trong ngày vui cuối năm. Các bạn hãy tưởng tượng một cảnh gia đình mà tất cả mọi người đều nhẹ nhàng, tươi mát, chan chứa yêu thương trong lòng, ngồi bên nhau cùng ăn cơm thì hạnh phúc biết là dường nào! Đây là một đại gia đình gồm nhiều chủng tộc cùng về tham dự. Ngoài cái hương vị ngọt ngào, bùi béo của các món ăn ngon như bánh chưng, bánh tét, dưa món, canh, xào, xôi, chè... chúng tôi còn được nếm hương vị giải thoát, nhẹ nhàng, tươi mát và ấm cúng của toàn thể đại chúng. Niềm vui khôn tả, cứ lâng lâng nhè nhẹ làm sao ấy! Hay là dư âm của ngày tết xa xưa cũ thoáng hiện về, ai biết được?
Buổi chiều chúng tôi có chương trình văn nghệ, ngâm thơ, ca hát, ngồi thiền đón giao thừa, nghe đọc lời khấn nguyện đầu năm và bói kiều.
Những bài hát Xuân ca, Lý tình tang, Cái trống cơm, Thương quá Việt Nam... được cháu Quỳnh Lan đệm đàn tranh cho ban nhạc nghiệp dư của nhóm nghệ sĩ tuổi hườm hườm chúng tôi (tức tuổi không trẻ nhưng chưa già) cũng làm sống động buổi thiền trà. Sau khi ngâm bài thơ "Qua đèo ngang" của bà Huyện Thanh Quan, tôi thật xúc động. Một nỗi niềm bâng khuâng, thương nhớ hoài cổ khiến có người rưng rưng nước mắt. Ngày Tết lại tha phương nơi xứ người dễ làm ta ngậm ngùi, thổn thức.
Một số bài hát và thơ được các bạn Tây phương trình bày xen kẽ với những bài hát VN làm cho buổi sinh hoạt thêm phong phú, đầm ấm.
Rồi chúng tôi ngồi thiền trong tĩnh lặng để chào đón giao thừa... Boong, boong, boong… Một hồi chuông thong thả ngân nga báo hiệu giờ giao thừa đã đến. Những ánh mát trìu mến nhìn nhau, trên gương mặt mọi người rạng rỡ niềm hân hoan,hạnh phúc. Trong sự im lặng hùng tráng ấy, thầy Pháp Độ báo tin năm mới Kỷ Sửu đã đến. Tất cả đại chúng cùng quì lên để làm lể khấn nguyện với tổ tiên nhân dịp đầu năm. Thật cảm động khi được nghe những lời sau:
Chúng con cư trú ở ngoại ô Paris, vào dịp năm hết, Tết đến, kính cẩn tới trước bàn thờ tổ tiên với tất cả lòng dạ chí thành, hướng về cội nguồn, nguyền xin liệt vị tiền nhân chứng giám.
Chúng con ý thức được cây có cội, nước có nguồn; chúng con biết liệt vị tiền nhân là cội nguồn của chúng con. Chúng con nguyện tiếp nhận gia tài văn hoá và tâm linh mà liệt vị đã trao truyền, nguyện nắm giữ và phát triển không ngừng gia tài ấy. Chúng con nguyện chuyển hoá những nội kết khổ đau và mở ra cho các thế hệ tương lai cánh cửa của một đời sống thoải mái, nhẹ nhàng, ý vị, một xã hội trong đó con người không quá bận rộn, tiêu thụ ít, có nhiều thì giờ để sống với thiên nhiên, chăm sóc cho thiên nhiên, chăm sóc cho nhau và đem lại cho nhau nụ cười và hạnh phúc...
Giờ phút này là giờ phút đầu năm. Chúng con nguyện bỏ hết mọi giận hờn, buồn tủi và hiềm khích, tha thứ cho nhau, chấp nhận nhau và thương yêu nhau. Chúng con biết có làm như thế chúng con mới thật sự tỏ bày được niềm hiếu thảo và biết ơn của chúng con lên liệt vị.
Xin liệt vị tổ tiên chứng minh cho lòng thành của chúng con, chấp nhận hương hoa trà quả và bánh trái, tất cả đều được dâng lên từ lòng hiếu thảo và dạ chí thành. Xin bảo hộ và che chở cho các con và các cháu có đầy đủ sức khỏe, niềm tin và nguồn vui để tiếp tục công trình của liệt vị.
Sau buổi lễ khấn nguyện vơi tổ tiên, mọi người dâng tặng nhau những lời chúc tụng tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm. Hạnh phúc như đang ùa vào tràn ngập cả phòng thiền!
Nét văn hóa độc đáo, tao nhã của Làng Mai nhân dịp đầu năm là Bói Kiều. Người xin quẻ sẽ kính cẩn lạy trước bàn thờ, sau đó ngồi thở ba hơi, đặt tay lên chuông và cầu xin thi thánh Nguyễn Du cùng ni sư Giác Duyên ứng quẻ cho lời cầu xin hoặc câu hỏi của mình. Tiếp theo, người ấy đưa tay vào chuông lấy một bao "lì xì" màu đỏ trong có ghi hai câu thơ. Các ngâm sỉ lại được dịp trổ tài ca ngâm của mình. Các thầy, các sư cô, hoặc trong đại chúng có người tu tập giỏi đều đóng góp vào việc giải mã cho quẻ bói. Cốt lõi cho các quẻ bói là những bài thực tập về tình thương yêu đích thực trong đời sống hằng ngày. Phải luôn luôn tỉnh thức để nhận ra nhiều điều kiện hạnh phúc đang có mặt trong ta và chung quanh ta. Chỉ cần quay về hơi thở chánh niệm, ta sẽ có sự thảnh thơi, nhẹ nhàng, tâm an nhiên tự tại, ta sẽ nắm được chủ quyền, không để cho phiền muộn, lo âu chế ngự, hoành hành ta nữa.
Theo tập quán của cha ông để lại, ngày xuân ta đến chùa xin lộc và cầu nguyện mọi điều tốt lành cho bản thân và gia đình. Qua một thời gian tu tập đều đặn, có tăng thân sách tấn,, có thiền đường yên tĩnh với các thầy, các sư cô đầy lòng từ bi luôn giúp đỡ, nhắc nhỡ, ta mới ngộ ra rằng mùa Xuân sẽ mãi mãi bên ta khi tâm ta được bình an, tươi mát. Quay về với hơi thở chánh niệm, bước đi những bước chân tỉnh thức với nụ cười luôn nở trên môi, chúng ta sẽ thấy ánh xuân chan hoà khắp nơi, tình người rộng mở thắm thiết. Có lẽ vì thế thiền sư Mãn Giác đã chẳng sảng khoái ngâm:
Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trưc một nhành mai
Thật nhẹ nhàng, thanh thoát song cũng thật thâm trầm, ý vị, phải không các bạn?
 
Mùng 6, tháng giêng năm Kỷ Sửu
Chân Bảo Nguyện

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire